|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Điểm nóng' trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

08:09 | 12/10/2024
Chia sẻ
Trang mạng của Viện Lowy mới đây đăng bài viết cho rằng trong bối cảnh thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về kỹ thuật số, cạnh tranh địa chính trị ngày càng tập trung vào công nghệ.

Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ và Trung Quốc cũng đang giảm bớt sự phụ thuộc lẫn nhau về công nghệ với tốc độ chóng mặt. Câu hỏi đặt ra là có con đường nào không liên quan đến sự chia tách công nghệ Mỹ-Trung hay không?

Động thái gần đây nhất, lệnh cấm do Mỹ đề xuất đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể là một điểm bùng phát căng thẳng. Quyết định của Mỹ được đưa ra bởi lo ngại rằng các phương tiện được kết nối sẽ truyền dữ liệu theo thời gian thực bao gồm vị trí, hoạt động của người lái xe và thông tin riêng tư. Đề xuất này cấm nhập khẩu và bán xe có phần mềm và phần cứng do Trung Quốc sản xuất mà cho phép liên lạc qua các mô-đun Bluetooth, di động, vệ tinh hoặc mạng Wifi.

Hầu như tất cả các phương tiện hiện đại đều có phần mềm và hệ thống giám sát gây ra rủi ro về bảo mật. Điều phối viên An ninh mạng Quốc gia Australia, Trung tướng Michelle McGuinness cũng đã nêu bật mối lo ngại về các lỗ hổng có thể khai thác được trong các công nghệ kết nối, bao gồm xe điện và Internet vạn vật (IoT).

Mặc dù động thái này của Mỹ bắt nguồn từ lý do an ninh quốc gia và không liên quan đến thương mại, nhưng chúng có mối liên hệ với nhau. Nó diễn ra sau đợt tăng thuế 100% hồi tháng Năm vừa qua đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến tháng 8/2024, Canada cũng tăng thuế lên 100%. Sau đó vào tháng 9/2024, Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu để tăng mức thuế tạm thời lên 35,3%, ngoài mức thuế 10% hiện có.

Vẫn còn phải xem các công ty của Mỹ như Ford và Tesla sẽ phản ứng ra sao khi họ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Hoạt động sản xuất sử dụng linh kiện Trung Quốc ở những nơi như Thái Lan và Mexico có vẻ cũng sẽ bị cấm. Tác động đối với các quốc gia không có ngành công nghiệp xe điện như Australia ít rõ ràng hơn, nhưng có thể rủi ro vẫn hiện hữu do lượng xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc tăng.

Bất chấp nỗ lực đa dạng hóa, giảm rủi ro và tách rời chuỗi cung ứng, hệ sinh thái công nghệ vẫn phụ thuộc và gắn bó với nhau. Việc giảm thiểu các lỗ hổng sẽ gây tổn thất lớn cho chính phủ, người tiêu dùng và tương lai kỹ thuật số. Việc tách rời về công nghệ - hay việc hủy bỏ thương mại xuyên biên giới đối với hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao – thường gắn liền với những lo ngại về bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư dữ liệu và rủi ro an ninh quốc gia, cũng như sự tái tập trung vào các chính sách công nghiệp.

Bất chấp những tác động toàn cầu, vẫn còn rất ít thông tin về ảnh hưởng của điều này đối với nền kinh tế kỹ thuật số. Một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, xu hướng tách rời công nghệ làm giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới thông qua giảm dòng chảy thương mại toàn cầu, phân bổ sai nguồn lực và hạn chế phổ biến kiến thức xuyên biên giới hơn.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, họ đang nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực mang tính quyết định mà Trung Quốc đang muốn thống trị như trí tuệ nhân tạo (AI). Năm 2023, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã dựa vào lời của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen để nói rằng Mỹ ủng hộ việc giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa, thay vì tách rời. Ông đã lặp lại những quan điểm này ở Trung Quốc vào tháng Tám năm nay.

Những người khác sẽ lập luận ngược lại - rằng một loạt sáng kiến mới, từ Đạo luật Khoa học và CHIPS đến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, 25 dự luật của “Tuần lễ Trung Quốc” tại Quốc hội Mỹ vào tuần trước, đã tạo nên một lộ trình tách rời. Các biện pháp này áp dụng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm chất bán dẫn, AI và năng lượng sạch đang gây ra “cuộc chạy đua trợ cấp giữa Trung Quốc và Mỹ”. Những nỗ lực của Mỹ nhằm hợp pháp hóa vấn đề an toàn sinh học được coi là sự tiếp nối của những nỗ lực này.

Gần đây, người ta đã thấy những hạn chế xung quanh dữ liệu cá nhân của người Mỹ, luật an toàn sinh học của Mỹ cũng như phản ứng của Australia đối với sự can thiệp của nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ và các trường đại học.

Việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho công nghệ cũng trở nên mang tính chính trị hơn, khi cạnh tranh công nghệ ngày càng gia tăng. Mỹ, Trung Quốc và EU cùng với các nước khác đang tạo thêm không gian để chính phủ xác định và đặt ra các ưu tiên về tiêu chuẩn hóa, điều phối hành động và đầu tư trực tiếp.

Chuỗi cung ứng phần mềm không chỉ bao gồm hàng hóa hữu hình như trong sự cố CrowdStrike khiến hàng loạt hệ thống máy tính ngừng hoạt động. Cần có một quy trình để đánh giá rủi ro về chuỗi cung ứng và phần mềm cũng như phần cứng từ góc độ an ninh và an toàn quốc gia.

Trong khi một số người cho rằng việc tách rời công nghệ là không thể tránh khỏi, việc hình dung ra những lĩnh vực mà sự đổi mới và hợp tác có thể được thực hiện đang trở nên khó khăn. Điều này đúng với chính phủ, khu vực tư nhân và hoạt động nghiên cứu.

Ngay cả khi các chính phủ hành động vì lý do an ninh quốc gia, điều quan trọng là phải tiếp tục nỗ lực ngoại giao và khuyến khích các mối quan hệ văn hóa và giao lưu cá nhân. Chúng ta cần tích cực thu hút tất cả các quốc gia vào việc giảm thiểu tác hại của công nghệ, cải thiện sự an toàn của AI và chống biến đổi khí hậu.

Thanh Tú