Dịch viêm phổi Vũ Hán đe dọa nguồn cung nguyên liệu dược phẩm cho thế giới
Trung Quốc trong thập niên qua vươn mình trở thành “ông lớn” trên thị trường nguyên liệu dược. 13% số cơ sở sản xuất nguyên liệu dùng cho nhiều loại thuốc bán ở Mỹ đặt tại quốc gia châu Á này.
Phần lớn cơ sở tập trung trên địa bàn tỉnh Chiết Giang cách rất xa nơi bùng phát dịch Vũ Hán. Nhưng khi tình hình lây nhiễm ngày một nghiêm trọng thì giới chức Trung Quốc quyết định phong tỏa nhiều khu vực, làm dấy lên nỗi lo liệu hoạt động sản xuất và vận chuyển nguyên liệu dược bị ảnh hưởng.
Cựu nhân viên Cục Quản lý thực phẩm dược phẩm Mỹ (FDA) Steven Lyn nhận xét: “Hiện tại rất đáng lo.
Tôi sẽ hỏi đối tác trong chuỗi cung ứng rằng nguồn hàng nào đến từ Trung Quốc? Kho còn hàng gì? Không đủ thì liệu có thể nhận được hàng càng sớm càng tốt hay không? Đây không chỉ là vấn đề của Mỹ mà của toàn thế giới nếu Trung Quốc bắt đầu đóng cửa biên giới”.
Nhìn chung hầu hết đơn vị sản xuất dược phẩm đều có nhiều hơn 1 nhà cung cấp nguyên liệu cho mỗi loại thuốc. Chẳng hạn GlaxoSmithKline (GSK) cho biết họ xây dựng hệ thống nguồn cung kép, dự trữ phù hợp và luôn tiến hành đánh giá rủi ro.
Chuyên gia y tế Martin VanTrieste thuộc tổ chức phi lợi nhuận Civica Rx cho biết các thương hiệu dược tiếng tăm lấy rất ít nguyên liệu từ Trung Quốc vì e ngại chất lượng, nên nếu dịch được kiểm soát thì vấn đề không lớn.
“Tuy nhiên nếu dịch không được kiểm soát, đây sẽ là vấn đề nghiêm trọng”, theo chuyên gia VanTrieste.
FDA chưa ghi nhận tình trạng thiếu hụt. Mặc dù vậy Phó giám đốc phụ trách hoạt động chăm sóc sức khỏe Cơ quan Y tế quốc phòng Mỹ Christopher Pries từng công bố số liệu khoảng 80% hoạt chất dùng cho sản xuất thuốc thành phẩm đến từ Trung Quốc – phản ánh thị phần lớn mà quốc gia châu Á này đang nắm giữ.
Chuyên gia chăm sóc sức khỏe Rosemary Gibson thuộc trung tâm đạo đức y học The Hastings cũng cảnh báo 85% thuốc trong kho dự trữ chiến lược phụ thuộc vào một số thành phần Trung Quốc (hoạt chất, chất trung gian, nguyên liệu thô).
Dịch viêm khổi đủ sức khiến vấn đề thêm trầm trọng một khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu mà giữ lại tự sử dụng.
Trước tình hình nêu trên, bà Gibson kêu gọi thành lập một đơn vị chuyên theo dõi hoạt động cung cầu lẫn những sự kiện bất ngờ như dịch viêm phổi để từ đó xây dựng nên kế hoạch ứng phó, đảm bảo nguồn cung.