|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch COVID-19: Sản xuất công nghiệp TP HCM giữ đà tăng trưởng

03:30 | 02/06/2021
Chia sẻ
Theo Sở Công Thương TP HCM, tính 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Còn riêng tháng 5/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,6% so với tháng 4 và tăng 5% so với tháng cùng kỳ năm 2020.

Kết quả này đạt được là do sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền TP HCM trong việc đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất, vừa tham gia phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tập trung mọi nguồn lực và thực hiện tái cơ cấu hoạt động, nên từng bước được khôi phục và duy trì ổn định hoạt động kinh tế, sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên, hiện TP HCM nói riêng, cả nước nói chung, vẫn phải chống chọi với dịch COVID-19, cộng thêm một số nước đối tác quan trọng vẫn đang gặp khó bởi dịch. Điều này, khiến cho nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp bị thiếu hụt và thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước, cũng như xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. 

Dịch COVID-19: Sản xuất công nghiệp TP HCM giữ đà tăng trưởng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: TTXVN).

Báo cáo của Sở Công Thương TP HCM cho thấy, chỉ số sản xuất 5 tháng năm 2021 của 4 ngành công nghiệp trọng điểm gồm: điện tử, cơ khí, lương thực thực phẩm và hóa dược tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 1,1 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của ngành công nghiệp.

Đối với ngành công nghiệp cấp II trên địa bàn TP HCM, có 22/30 ngành đạt chỉ số đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Các ngành có mức tăng cao, gồm: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 54,4%; sản xuất kim loại tăng 37,8%; công nghệ chế biến, chế tạo khác tăng 32,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 27,1%; sản xuất sản phẩm điện tử máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 22,8%...

Đáng chú ý, một số ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất công 5 tháng năm 2021 tăng cao hơn so với cùng kỳ như: sản xuất thiết bị điện, sản xuất sản phẩm điện tử, sản xuất xe có động cơ, sản phẩm từ khoáng kim loại, sản xuất từ cao su và plastic... 

Còn Cục Thống kê TP HCM công bố, tính 5 tháng năm 2021 chỉ số tiêu thụ của công nghiệp tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020. Những ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao gồm: sản xuất kim loại, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm gỗ, tre, nứa, sản xuất xe có động cơ, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng...

Mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế, nhưng xuất khẩu hàng hóa của TP HCM vẫn đạt được mức tăng trưởng dương là nhờ vào sự nỗ lực không nhỏ của doanh nghiệp. Tính 5 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 15,1% và nhập khẩu tăng 30,4%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp TP HCM với kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng năm 2021 đạt 3.880,5 triệu USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 22,2% tỷ trọng xuất khẩu. Thứ hai là thị trường Hoa Kỳ đạt 2.819,1 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ, chiếm 16,1% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp theo là các thị trường như Nhật Bản, EU...

Đại diện Cục Thống kê TP HCM cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố 5 tháng gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc và tăng trưởng đáng kể. Tuy vậy, doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.

Ghi nhận ý kiến đại diện nhiều công ty trên địa bàn TP HCM chia sẻ, hiện sản xuất công nghiệp đang vừa chịu sức ép trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn lao động, vừa duy trì hoạt động ổn định. Do đó, vấn đề cấp bách là cần có giải pháp hiệu quả và kịp thời hơn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10, đợt dịch COVID-19 lần này đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Công ty May 10 đã liên kết doanh nghiệp ở một số địa phương trên cả nước nên khi những doanh nghiệp này bị tạm ngưng hoạt động đã tác động đến chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất của công ty.

Mỹ Phương

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.