|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch COVID-19: Nhiều nước dừng xuất khẩu lương thực, đe dọa nguồn cung toàn cầu

14:01 | 25/03/2020
Chia sẻ
Một số nước đang thực thi các biện pháp bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước tại thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, hãng tin Bloomberg cho biết.
Dịch COVID-19: Nhiều nước dừng xuất khẩu lương thực, đe dọa nguồn cung toàn cầu - Ảnh 1.

Cánh đồng lúa mì ở gần Tioga, Bắc Dakota, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Kazakhstan, một trong những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã quyết định cấm xuất khẩu sản phẩm này cùng với một số mặt hàng nông sản khác như cà-rốt, đường, khoai tây. Serbia cũng đã ngưng xuất khẩu dầu hướng dương và sản phẩm khác. Nga vẫn để ngỏ khả năng ban hành lệnh cấm xuất khẩu và cho biết sẽ đánh giá tình hình hàng tuần.

Rõ ràng, đã xuất hiện một số động thái và không thể biết tiếp sau sẽ là gì. Nhưng những gì đang diễn ra đặt ra một câu hỏi: Phải chăng đây là khởi đầu của một làn sóng chủ nghĩa lương thực quốc gia, có thể làm đứt gãy nguồn cung và dòng chảy thương mại toàn cầu? Tim Benton, Giám đốc nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Chahham House (Anh) nhận định thế giới đang phải chứng kiến điều này và việc đóng cửa vì dịch COVID-19 sẽ làm tình hình trầm trọng thêm.

Nguồn cung lương thực dồi dào, nhưng những rào cản hậu cần khiến việc giao nhận hàng khó khăn hơn, do các nước áp đặt các biện pháp chống dịch COVID-19 chưa có tiền lệ và nguy cơ thiếu hụt nhân công. 

Người tiêu dùng trên khắp thế giới vẫn đang tìm cách tích trữ hàng hóa, trong khi suy thoái kinh tế từ dịch bệnh bắt đầu lộ rõ. Việc chặn xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm vì thế chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo lắng, chứ không phải là do mùa vụ thất bát hay thiếu nguồn cung.

Nhiều nước đang tìm cách chất đầy kho dự trữ chiến lược. Trung Quốc, nước trồng và tiêu thụ lúa gạo lớn nhất thế giới, cam kết tăng sản lượng mua hơn bao giờ hết trước khi thu hoạch mùa vụ, dù trước đó nước này đã dự trữ gạo, lúa mỳ đủ dùng trong một năm. Những nước nhập khẩu lúa mỳ chủ chốt khác như Algeria và Turkey cũng đã công bố nhiều hợp đồng mua mới, trong khi Maroc lựa chọn giải pháp miễn thuế nhập khẩu lúa mỳ đến giữa tháng 6.

Trước khi ngưng xuất khẩu lúa mỳ, Kazakhstan đã dừng bán một số sản phẩm lương thực khác như kiều mạch, hành tây. Bước đi mới nhất của Kazakhstan có tầm ảnh hưởng lớn hơn, có thể ảnh hưởng nhiều đến các công ty trên thế giới phụ thuộc nguồn cung vào lúa mỳ để làm bánh mỳ. 

Đối với một số mặt hàng, nguồn cung chủ yếu do một số nhóm nhỏ các nước xuất khẩu nắm giữ. Việc đứt gãy cung ứng này sẽ có tác động lớn đến toàn cầu. Rõ nhất là trường hợp của Nga, nước xuất lúa mỳ hàng đầu thế giới và là nhà cung ứng chủ chốt cho Bắc Phi.

Theo ông Benton, nếu các chính phủ không đồng lòng hợp tác để bảo đảm nguồn cung toàn cầu, nếu các nước chỉ biết đặt quốc gia lên trên hết, mọi thứ sẽ tệ hại hơn với tất cả các bên. Chi phí cho lương thực tăng còn có tác động tiêu cực về mặt xã hội. Giá bánh mỳ tăng có lịch sử lâu đời gắn liền với bạo động, bất ổn chính trị.

Trong thời điểm giá lương thực lên đỉnh vào năm 2011 và 2008, đã xuất hiện biểu tình tại hơn 30 quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và châu Á. “Nếu thiếu nguồn cung lương thực, các xã hội sẽ tan vỡ”, Benton bình luận.


Hoài Thanh

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.