|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch COVID-19: Argentina thâm hụt ngân sách trầm trọng

07:02 | 04/07/2020
Chia sẻ
Dịch COVID-19 đang khiến Argentina rơi vào vòng xoáy thâm hụt ngân sách trầm trọng do Chính phủ buộc phải tăng cường chi tiêu công nhằm giúp hàng triệu người dân bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.
Dịch COVID-19: Argentina thâm hụt ngân sách trầm trọng - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang và mặt nạ phòng lây nhiễm COVID-19 tại siêu thị ở Buenos Aires, Argentina, ngày 8/4/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN).

Thâm hụt ngân sách của quốc gia Nam Mỹ này đã tăng lên mức kỷ lục 3,67 tỉ USD trong tháng 5/2020 do Chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội từ cuối tháng Ba nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo các nhà phân tích kinh tế, với việc mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn tái cơ cấu nợ công và không thể tiếp cận thị trường tín dụng quốc tế, thâm hụt ngân sách của Argentina có thể ở mức từ 5,5%- 6,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, cao hơn ước tính thâm hụt ngân sách trong khoảng từ 2,2%- 2,5% GDP được đưa ra đầu tháng 5/2020.

Chuyên gia kinh tế Isaias Marini từ Công ty tư vấn tài chính Econviews cho biết, các biện pháp cách li xã hội đã tác động mạnh đến ngân sách, vốn đã ở trong tình trạng mong manh ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát. 

Chi tiêu công đã tăng vọt trong ba tháng qua, trong khi thu ngân sách đã giảm mạnh do các hoạt động kinh doanh suy yếu.

Chính phủ của Tổng thống Alberto Fernández đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ người lao động và gia đình có thu nhập thấp, đồng thời đóng băng phí dịch vụ công để hỗ trợ người dân trong thời gian cách li xã hội.

Các gói hỗ trợ này đã khiến chi tiêu công trong tháng 5/2020 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới gần 580 tỉ peso (khoảng 8,2 tỉ USD).

Ngay cả Bộ trưởng Kinh tế Argentina Martín Guzmán cũng xác nhận thâm hụt tài khóa gia tăng và Argentina đang ở trong một tình huống xấu hơn nhiều so với tình hình trước khi bùng phát dịch COVID-19.

Viện Thống kê và Điều tra Argentina (INDEC) cho biết hoạt động kinh tế của nước này đã giảm 26,4% trong tháng 4/2020. 

Đây là mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ năm 1993. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế, trong đó có Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo kinh tế Argentina sẽ giảm khoảng 10% trong năm nay, khiến quốc gia Nam Mỹ này rơi vào suy thoái năm thứ ba liên tiếp.

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley của Mỹ cho rằng với chi tiêu công tăng cao nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, "những nỗ lực củng cố hệ thống tài chính công của Argentina trong những năm gần đây đang bị xói mòn nhanh chóng", và có thể trở nên tồi tệ hơn với việc quốc gia Nam Mỹ này đang nỗ lực tái cơ cấu khoản nợ 65 tỉ USD.

Ngân hàng này nhận định, trong bối cảnh không thể tiếp cận thị trường tín dụng quốc tế, Argentina sẽ buộc phải đưa ra chính sách tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách (khoản chi tiêu vượt ngân sách được trả bằng tiền mặt do chính phủ in thêm) nhằm hỗ trợ tài chính công, điều này sẽ khiến lạm phát gia tăng một khi nhu cầu trong nước bắt đầu bình thường trở lại.

Theo các nhà phân tích tài chính, ngay cả khi Argentina đạt được thỏa thuận với các chủ nợ và vượt qua dịch COVID-19, trong thời gian tới, quốc gia Nam Mỹ này vẫn sẽ đối mặt với tình trạng tài chính khó khăn, bao gồm việc hàng hóa tăng giá do nền kinh tế bị bơm thêm quá nhiều tiền mặt.

Chuyên gia kinh tế Natalia Motyl từ Công ty tư vấn Libertad y Progreso nhận định, điều quan trọng bây giờ đối với Argentina là đàm phán thành công các khoản nợ công, theo đó, quốc gia Nam Mỹ này có thể quay trở lại với việc vay nợ để tài trợ cho chính sách tài khóa mở rộng.

Bà Motyl cho biết thêm, một khi cuộc khủng hoảng COVID-19 kết thúc, Chính phủ sẽ cần phải có một kế hoạch kinh tế toàn diện hơn.

Ngọc Tùng