'Đi là để trở về' của những Bông Bạch Tuyết, Minh Phú... liệu có là tấm gương cho Gỗ Tường Thành?
Nhiều doanh nghiệp "tái xuất" sau nhiều năm hủy niêm yết |
“Đi là để trở về” câu nói thường dùng để gửi gắm những người đi xa, bắt đầu những cuộc hành trình với và ước mong nhiều điều tốt đẹp. Và trên thị trường chứng khoán xuất hiện không ít case study cho câu nói này.
Dạo gần đây, thị trường chứng kiến dự định “tái xuất” của nhiều doanh nghiệp giao dịch đại chúng, vốn trước đây hủy niêm yết vì nhiều lý do. Nhưng trên hết, sự trở lại của những cái tên này ít nhiều khiến các nhà đầu tư thêm phần phấn khởi, cũng giống như việc gặp lại một con người sau một chuyến đi xa.
Bông Bạch Tuyết, trở về từ scandal
Là một trong 3 doanh nghiệp đầu tiên hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư tham gia chứng trường lâu năm chắc chắn sẽ không quên trường hợp này, nhất là đối với cổ đông Bông Bạch Tuyết (Mã: BBT) thời điểm đó.
Có thời kỳ công ty này chiếm tới 90% thị phần bông băng y tế của cả nước. Ngày 15/3/2004, cổ phiếu Bông Bạch Tuyết chính thức niêm yết, trở thành công ty thứ 23 trên sàn chứng khoán.
Bông Bạch Tuyết từng có thời kỳ chiếm 90% thị phần bông y tế của cả nước |
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, không ai ngờ được nhắc đến Bông Bạch Tuyết lại nhắc đến vụ bê bối lớn của ngành tài chính.
Năm 2008, báo cáo tài chính 2006 của BBT bỗng nhiên điều chỉnh từ lãi thành lỗ. Sự thật gây sốc khi kết quả thanh tra phát hiện công ty đã thua lỗ liên tục ngay từ năm 2004. Giai đoạn 2005-2008, Công ty đã có nhiều khoản tài chính thiếu minh bạch.
Ngày 7/8/2009, mã chứng khoán BBT bị hủy niêm yết theo yêu cầu của UBCKNN do không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ thực góp. Trước đó BBT từng bị tạm ngừng giao dịch do lỗ lũy kế 2 năm liên tiếp và do không công bố thông tin theo đúng quy định. Công ty dừng sản xuất và gần như mất hết thị trường.
Hoạt động trở lại với mức lỗ giảm dần từng năm và đến năm 2014, công ty bắt đầu có lãi. Năm 2016 đánh dấu việc BBT có lãi 3 năm liên tiếp, từ đây công ty nhen nhóm ý định trở lại sàn chứng khoán sau 8 năm “mất hút”.
Kết quả kinh doanh của Bông Bạch Tuyết những năm trở lại đây (Đơn vị: Tỷ đồng) |
Thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, ngày 22/8 vừa qua là ngày chốt danh sách cổ đông của Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết để doanh nghiệp này nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu BBT trên HNX.
Năm 2017, công ty đặt kế hoạch doanh thu 101 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 24,3 tỷ đồng, tăng gần 65% so với thực hiện năm 2016.
Trước đó tại ĐHĐCĐ, Công ty cũng thống nhất phát hành cổ phần tăng vốn từ 68,4 tỷ đồng lên 98 tỷ đồng bằng cách phát hành 2,96 triệu cổ phần với giá bằng mệnh giá. Đại diện BBT cũng cho biết, từ tháng 3/2016 công ty đã trả hết nợ gốc cho ngân hàng, do đó năm 2016 công ty không mất phí trả lãi, nhờ đó nâng cao hơn hiệu quả hoạt động kinh doanh.
“Vua tôm” Minh Phú tái xuất, cuộc chạy đà cho giấc mơ tôm tỷ USD
Một cái tên đình đám khác, “vua tôm” Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) mới đây cũng công bố sẽ giao dịch cổ phiếu trở lại trên UPCoM sau 2 năm vắng bóng.
Tôm Minh Phú tái xuất trên UPCoM |
Khác với BBT bị hủy niêm yết bắt buộc, Minh Phú chủ động hủy niêm yết trên HOSE hồi cuối tháng 3/2015, khi mà cổ phiếu MPC dao động ở mức 122.000 đồng/cp.
Lý do hủy niêm yết được ban lãnh đạo MPC đưa ra là các quỹ đầu tư, công ty tư vấn tài chính góp ý giá cổ phiếu MPC trên thị trường chưa phản ánh đúng giá trị thực của Minh Phú. Đồng thời, công ty muốn hủy niêm yết để tái cấu trúc và tìm kiếm đối tác ngoại. Vào thời điểm đó, Minh Phú nói sau khi phát hành xong 30 triệu cổ phiếu với giá đảm bảo tốt nhất quyền lợi các cổ đông thì đến thời điểm thích hợp sẽ niêm yết lại.
Trong 2 năm rời sàn, lợi nhuận MPC chỉ đạt 32,4 tỷ đồng trong năm 2015 và 72 tỷ đồng trong năm 2016. Nợ vay cuối năm 2016 còn 5.300 tỷ đồng.
Trong thời gian này, không thể phủ nhận Minh Phú đã nỗ lực để hoàn thành mô hình chuỗi giá trị khép kín của mình.
Chuỗi giá trị khép kín của Minh Phú |
Năm 2015, Tập đoàn đầu tư vào 2 công ty liên kết gồm Công ty TNHH Mekong Logistic và Công ty TNHH Thực phẩm Việt Nam với tỷ lệ sở hữu lần lượt 41% và 23,6% vốn điều lệ.
Trong đó, Mekong Logistics được Minh Phú mua từ CTCP Gemadept (Mã: GMD), triển khai trung tâm logistics tại KCN Sông Hậu, tỉnh Hậu Giang với quy mô 15 ha, vốn đầu tư 670 tỷ đồng.
Minh Phú cũng thành lập công ty con 100% vốn - CT TNHH Kho vận Ebisumo, vốn điều lệ 600.000 USD tại Nhật. Công ty này xuất nhập khẩu và giao nhận thủy sản, các dịch vụ liên quan tại Nhật - một trong các thị trường xuất khẩu lớn của "vua tôm".
Kết quả kinh doanh của Minh Phú qua các năm |
6 tháng đầu năm 2017, kinh doanh của MPC cải thiện trở lại. Doanh thu 6.342 tỷ đồng, tăng 34,5%; lợi nhuận ròng 144 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ năm trước.
Năm 2017, MPC đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 15.781 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 841 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2016. MPC đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 681 triệu USD với sản lượng 55.300 tấn tôm thành phẩm.
Trong một hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam hồi tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề ngành tôm cần cán mốc xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025 thay vì đợi đến năm 2030.
Ra đi hãy tìm đường trở về
Không dễ để có thể xây dựng một thương hiệu gắn bó trong tâm trí người tiêu dùng và nhà đầu tư. Khi những cái tên đình đám một thời hủy niêm yết (dù tự ý hay bắt buộc), thì điều đó theo thời gian có thể sẽ khiến các công ty đó bị chìm vào quên lãng. Chưa kể giao dịch đại chúng đem đến một hình ảnh minh bạch hơn và sự tin tưởng cao hơn đối với nhà đầu tư…
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) có công văn gửi CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) về khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc.
Gỗ Trường Thành nhiều khả năng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc |
Việc kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ về số lãi vay được miễn giảm (84,6 tỷ đồng) được ghi nhận vào khoản thu nhập khác là chưa phù hợp với quy định hiện hành dựa trên các thông tin hiện có, nhiều khả năng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của TTF sẽ âm vượt vốn điều lệ (1.446 tỷ đồng). Nếu điều này thực sự xảy ra, TTF sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Nhiều người kỳ vọng việc ông Mai Hữu Tín có thể đem đến một làn gió mới cho gỗ Trường Thành sau khủng hoảng dưới thời lãnh đạo cũ. Một vài tín hiệu tích cực dần được hé lộ, nhưng có lẽ sự hồi sinh sẽ không đến ngay tức thì.
Hủy niêm yết, có thể cổ đông TTF sẽ không khỏi thất vọng, tuy nhiên những case study “đi để trở về” như Minh Phú hay bông Bạch Tuyết và nhiều trường hợp khác nữa chính là bài học để Gỗ Trường Thành và các cổ đông có thể hy vọng.
Miễn giảm 84,7 tỷ đồng lãi vay không phù hợp, Gỗ Trường Thành có nguy cơ bị hủy niêm yết Gỗ Trường Thành đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do khả năng lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ. |
Bông Bạch Tuyết: Nỗ lực hồi sinh từ scandal kinh điển có được đền đáp? Là một trong 3 doanh nghiệp đầu tiên huỷ niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Bông Bạch Tuyết trở thành một case ... |
'Vua Tôm' Minh Phú tái xuất, sẽ giao dịch trở lại trên UPCoM “Vua Tôm” Minh Phú sẽ trở lại sàn chứng khoán sau 2 năm rưỡi vắng bóng bằng việc giao dịch trên UPCoM. |