|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Tisco: Tăng vốn lên 2.000 tỷ mới xin chủ trương chưa có phương án cụ thể

16:28 | 29/06/2017
Chia sẻ
Sáng ngày 29/06, CTCP Gang thép Thái Nguyên - Tisco (UPCoM: TIS) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu tối đa 2.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ và một số vấn đề khác.

Mới trình chủ trương tăng vốn, chưa xây dựng phương án cụ thể

Liên quan đến tờ trình về chủ trương phát hành cổ phiếu tăng vốn, cổ đông đã có câu hỏi về lộ trình tăng vốn cụ thể của Công ty, đồng thời cổ đông cũng đề xuất cho biết thông tin về đối tượng chào bán, số lượng chào bán cổ phiếu và giá dự kiến chào bán.

Tuy nhiên, Đoàn Chủ tịch cho biết, hiện tại chỉ mới trình chủ trương tăng vốn, HĐQT vẫn chưa xây dựng phương án cụ thể, do đó chưa thể thông tin tới cổ đông.

Theo tờ trình, chủ trương tăng vốn thêm tối đa 2.000 tỷ đồng là nhằm cải thiện các chỉ tiêu tài chính, khả năng thanh toán của TIS sau khi SCIC rút vốn. TIS cần tìm một đối tác khác “thay chân” cho SCIC trong cơ cấu cổ đông.

Trong khi những thông tin về đối tác này vẫn chưa được công bố thì trên thị trường chứng khoán, trong tháng 5/2017, CTCP Thương mại Thái Hưng đã liên tục gom mạnh cổ phiếu TIS và nâng sở hữu lên 20%, tương đương 36,8 triệu cp.

dhdcd tis tang von len 2000 ty moi xin chu truong chua co phuong an cu the

Áp lực tài chính nặng nề sau giảm vốn

Tại Đại hội, TIS cũng trình lên nội dung sửa đổi điều lệ, điểu chỉnh mức vốn điều lệ của Công ty từ 2.840 tỷ xuống còn 1.840 tỷ đồng.

Liên quan đến tờ trình trên, trả lời câu hỏi cổ đông về việc thay đổi giấy đăng ký kinh doanh trước khi trình Đại hội và số tiền 1.000 tỷ đồng của SCIC, đại diện Đoàn Chủ tịch cho hay, việc SCIC rút vốn đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2017. Do đó, việc tiến hành thay đổi giấy đăng ký kinh doanh là đúng quy định. Mặt khác, số tiền 1.000 tỷ đồng của SCIC chỉ được dùng cho mục đích đầu tư giai đoạn 2 dự án Cải tạo mở rộng Gang thép Thái Nguyên, tuy nhiên dự án chưa được thực hiện nên toàn bộ số tiền trên được gửi tại các ngân hàng. Việc rút vốn của SCIC không làm ảnh hưởng đến các dự án khác của Công ty.

Tuy nhiên, một điểm cần chú ý là với việc giảm vốn xuống còn 1.840 tỷ đồng, các chỉ số tài chính của TIS đã trở nên rất “u ám”. Cụ thể, tại thời điểm 31/05/2017, nợ phải trả chiếm tới 80% tổng nguồn vốn của Công ty, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 20%. Bên cạnh đó, chỉ tiêu khả năng thanh toán của Công ty chỉ ở mức 0,79, thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu, làm giảm hệ số tín nhiệm của Công ty với các ngân hàng. Đồng thời, TIS cũng đang đối mặt với tình trạng mất cân đối tài chính dài hạn 790 tỷ đồng.

Nhìn lại quá khứ, năm 2015, TIS đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho SCIC với tổng số vốn phát hành thêm là 1,000 tỷ đồng, nhằm tăng vốn để thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án Cải tạo mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Khoản tiền này sau đó đã được gửi có kỳ hạn tại Vietcombankvới lãi suất tiền gửi từ 5,3 – 5,5%.

Tuy nhiên, tháng 4/2017 vừa qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã yêu cầu SCIC rút ngay khoản đầu tư 1.000 tỷ đồng và TIS phải giảm vốn điều lệ.

Bầu thay thế thành viên HĐQT, BKS

Hậu SCIC rút vốn, TIS cũng trình và được cổ đông thông qua việc miễn nhiệm vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 của 3 cá nhân là ông Nguyễn Quốc Huy, Vũ Hoàng Long và Nguyễn Tiến Dũng; miễn nhiệm 2 thành viên BKS là ông Trần Mạnh Hữu và ông Nguyễn Đức Huy theo đơn từ nhiệm của các cá nhân trên.

Đồng thời, HĐQT sẽ trình lên việc bầu bổ sung 3 cá nhân khác vào HĐQT theo danh sách được đề cử gồm ông Ngô Đình Khôi, Nguyễn Minh Hạnh và Nguyễn Văn Tuấn; bầu bổ sung 2 thành viên BKS gồm ông Trần Quốc Việt và ông Bùi Quang Hưng.

Bên cạnh đó, cổ đông cũng thông qua mức tiền lương cho Trưởng BKS chuyên trách của TIS là 14 triệu đồng/tháng, tương đương 112 triệu đồng/năm.

Phan Tùng