|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Chốt xong gói trái phiếu 300 triệu USD với đối tác ngoại, kế hoạch lãi tăng nhờ bàn giao 4 dự án

22:08 | 28/05/2022
Chia sẻ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, Đất Xanh công bố kế hoạch tăng lãi 21% nhờ 4 dự án đang bàn giao tại TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương, đồng thời cho biết sẽ phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi thay vì trái phiếu trơn như kế hoạch cũ.

Sáng nay (ngày 28/5), CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) đã tổ chức kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Ban lãnh đạo Đất Xanh tại kỳ họp ĐHĐCĐ (Ảnh: Hiền Minh).

Mục tiêu tăng lãi 21%

Tại đại hội, HĐQT Tập đoàn Đất Xanh công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu thuần 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 1.400 tỷ đồng, tăng lần lượt 9% và 21% so với thực hiện năm 2021. Công ty cũng cho biết dự kiến chia cổ tức năm 2022 là 20% tính trên mệnh giá.

Nói về năm 2022, HĐQT Đất Xanh xác định đây là năm đánh dấu sự chuyển đổi của công ty, tiếp tục đặt trọng tâm vào 5 mảng phát triển bất động sản, dịch vụ bất động sản, xây dựng, tài chính và công nghệ khép kín hệ sinh thái bất động sản.

Đồng thời, công ty cho biết sẽ đẩy mạnh việc mua và tích lũy những dự án bất động sản có vị trí đẹp, đã có mặt bằng hoàn chỉnh, pháp lý rõ ràng; hoàn thiện các thủ tục nhằm chuẩn bị cho chiến lược trung và dài hạn của công ty.

Ông Bùi Ngọc Đức, thành viên HĐQT thay mặt ban lãnh đạo đọc các tờ trình. (Ảnh: Hiền Minh).

Đổi kế hoạch phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi

Về kế hoạch tài chính, HĐQT Đất Xanh đã báo cáo và trình cổ đông thông qua việc dừng triển khai phương án phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ đã thông qua tại kỳ họp năm ngoái. Việc ngừng phát hành cổ phiếu này từng được HĐQT thông qua vào tháng 11/2021 trước đó.

Bên cạnh đó, HĐQT công ty cũng trình tờ trình về việc dừng phương án chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế với giá trị 300 triệu USD đã thông qua tại kỳ họp năm 2021.

HĐQT cho biết, trong năm 2021, HĐQT đã thực hiện các công việc cần thiết để chào bán, phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế này. Hiện, toàn bộ công tác chuẩn bị đã hoàn thành, song, tình hình thị trường tài chính từ giữa năm 2021 đến nay không phù hợp dẫn đến việc dừng triển khai này.

Ở chiều ngược lại, HĐQT Đất Xanh trình kế hoạch niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng trong năm 2022. Chi tiết về khối lượng, thời hạn đăng ký, niêm yết,... chưa được công ty tiết lộ cụ thể.

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT tại ĐHĐCĐ. (Ảnh: Hiền Minh).

Ngoài các tờ trình đã công bố trên website doanh nghiệp, tại kỳ họp này, công ty cũng có tờ trình về việc phê duyệt phương án chào bán, phát hành hoặc tham gia vào giao dịch công cụ nợ quốc tế hoặc công cụ nợ chuyển đổi của công ty bằng USD và kế hoạch sử dụng vốn thu được từ việc phát hành này.

Theo đó, công ty sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi/không chuyển đổi quốc tế bằng USD, không kèm chứng quyền với tổng mệnh giá 300 triệu USD (tương đương 6.959,25 tỷ đồng) nhằm mục đích thanh toán các chi phí và phí tổn của đợt phát hành, cấp vốn cho một số dự án đầu tư và vốn lưu động của công ty cũng như phục vụ các mục đích doanh nghiệp nói chung và các mục đích được pháp luật cho phép.

Trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông trong vòng 60 ngày, dự kiến phát hành trong năm 2022 cho các đối tượng là nhà đầu tư nước ngoài

Tại kỳ họp này, công ty đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) vì lý do hết nhiệm kỳ đối với Chủ tịch HĐQT, ông Lương Trí Thìn, Phó Chủ tịch HĐQT, ông Trần Việt Anh và thành viên HĐQT, ông Bùi Ngọc Đức.

Đại hội cũng tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027, gồm các ứng viên là ông Lương Trí Thìn, ông Bùi Ngọc Đức và ông Nguyễn Phạm Anh Tài. Trong đó, ông Tài chưa từng giữ chức vụ nào ở Đất Xanh, đồng thời không nắm cổ phiếu DXG nào.

Phần thảo luận

 

- Thông tin trái phiếu chuyển đổi, công cụ nợ, thời gian phát hành 

Ông Lương Trí Thìn: Gói trái phiếu trong năm 2021 mà công ty thực hiện là trái phiếu trơn, hiện công ty chuyển sang loại trái phiếu chuyển đổi 300 triệu USD và đã chốt xong với đối tác nước ngoài, dự kiến trong quý II - quý III sẽ hoàn tất.

Về trái phiếu chuyển đổi, về nhu cầu vốn, cũng như sử dụng vốn, chúng ta được cái linh hoạt trong phát triển sắp tới. Nó sẽ giúp cho tập đoàn, đây là một bước ngoặc, đây cũng là giai đoạn giúp chúng tăng cường nội lực.

- Về tình hình các dự án trong năm 2022:

Ông Lương Trí Thìn: Trong năm 2022, Đất Xanh đang trong quá trình bàn giao 4 dự án, gồm St. Mortiz, Opal Boulevard, Opal Skyline và Gem Sky World. Trong đó, dự án Opal Skyline sẽ tiếp tục bàn giao trong cuối năm, đến ngày hôm nay, dự án đã xây đến tầng 25. Còn dự án Gem Sky World đang bàn giao giai đoạn 3 cho khách hàng, đây cũng là dự án trọng điểm năm nay của Đất Xanh.

Trong năm 2022 - 2023, các dự án trọng điểm của công ty còn có Opal Parkview, Opal Cityview và Lux Star. Các dự án trên đều là dự án quy mô lớn và đang trong giai đoạn hoàn thiện.

- Pháp lý siết chặt ảnh hưởng như thế nào đến tình hình kinh doanh của Đất Xanh?

Ông Lương Trí Thìn:  Thời gian qua, thị trường vốn và môi trường pháp lý bị siết chặt làm ảnh hưởng gần như toàn bộ thị trường. Trong đó, Đất Xanh cũng bị ảnh hưởng, nhưng trong giai đoạn bị ảnh hưởng có những thuận lợi.

Pháp lý siết chặt khiến nguồn cung bị hạn chế, trong khi đó, Đất Xanh chuẩn bị được các dự án đủ pháp lý và là cơ hội để công ty bứt phá. Về mặt siết tín dụng, việc siết này chủ yếu là siết vào mảng cao cấp và nghỉ dưỡng, trong khi Đất Xanh đi vào phân khúc trung cấp, đa số là nhu cầu về ở nên không bị ảnh hưởng.

- Đất Xanh đã đóng tiền sử dụng đất chưa?

Ông Lương Trí Thìn: Có những dự án đóng rồi, có dự án đang bắt đầu nên chưa đóng. Đa số các dự án đang triển khai đã được hoàn thành đầy đủ về mặt pháp lý.

- Kế hoạch dự phòng khi không phát hành được trái phiếu?

Ông Lương Trí Thìn: Đối tác đã đàm phán và chốt đến giai đoạn cuối, tôi tin tưởng gói này thành công. Bên cạnh đó, công ty đã có các kế hoạch tài chính dự phòng và kế hoạch hoàn thiện các dự án để có dòng tiền từ việc bán hàng.

Hiền Minh

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.