|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Đạm Cà Mau: Muốn đầu tư kho cảng chiến lược tại nhiều tỉnh miền Tây và Tây Nguyên, cổ tức năm sau có thể lên 2.000 đồng/cp

11:50 | 26/04/2022
Chia sẻ
ĐHĐCĐ thường niên của DCM chủ yếu trả lời cổ đông về việc đặt kế hoạch năm 2022 ở mức thận trọng, thấp hơn nhiều so với kết quả quý I vừa đạt được và vấn đề về cổ tức khi năm 2021 vừa qua doanh nghiệp đã báo lãi kỷ lục hơn 1.800 tỷ đồng.

Sáng 26/4, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 với tất cả tờ trình được thông qua.

 Ban chủ tọa ĐHĐCĐ thường niên 2022 của DCM. (Ảnh chụp màn hình).

Năm nay, DCM đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng, tương ứng giảm 10,2% và giảm 72% so với năm 2021.

Ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc cho biết kế hoạch kinh doanh thận trọng trên được công ty đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi tốc độ lây lan nhanh của những biến chủng mới ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu; căng thẳng Nga -Ukraine kéo theo, giá dầu tăng cao, lạm phát, đứt gãy chuỗi logistic, nguồn cung khan hiếm. 

Tổng Giám đốc cho biết, cơ hội của DCM là giá phân bón dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, cao hơn cả quý IV vừa rồi. Bên cạnh đó tập đoàn cam kết cung cấp đủ khí cho Nhà máy Đạm Cà Mau và những chính sách thích ứng của chính phủ khôi phục lại sản xuất.

Tuy nhiên, ông Thanh chỉ ra các thách thức mà DCM phải đối mặt là giá phân bón tăng, giá nông sản giảm làm nông dân có xu hướng giảm canh tác bỏ ruộng. Giá dầu khí (đầu vào) ở mức cao.

Doanh nghiệp cũng lên một số kế hoạch đầu tư phát triển dài hạn. Cụ thể, trong năm nay sẽ hoàn thiện các dự án chuyển tiếp: hạng mục cải hoán và cung cấp CO2 thô, trung tâm nghiên cứu phát triển và dự án sản xuất phân bón phức hợp từ urê nóng chảy 300.000 tấn/năm.

Đồng thời để đảm bảo việc mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho định hướng phát triển lâu dài, Đạm Cà Mau cũng lên kế hoạch đầu tư kho đầu mối Long An, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, nhà máy khí hóa than và trụ sở trạm liên lạc tại TP HCM trong năm nay.

Năm 2022, Đạm Cà Mau có kế hoạch chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 8% vốn điều lệ. Mức cổ tức trình ĐHĐCĐ cho năm 2021 là 18% bằng tiền mặt. Với số lượng 529,4 triệu cố phiếu đang lưu hành, công ty cần chi hơn 952 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021.

Thảo luận:

Tại sao kế hoạch cả năm lại đặt thấp hơn kết quả quý I?

Quý I, DCM ghi nhận tổng doanh thu ước đạt 4.028 tỷ đồng, tăng 111% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.515 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái.

Quý I, trong bối cảnh giá phân bón tiếp tục tăng cao do chiến tranh Nga - Ukraine, song song đó là Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nên giá phân bón đạt đỉnh rất cao. 

Còn thị trường trong nước đang ở thấp điểm. Do đó, công ty tranh thủ xuất khẩu để đạt lợi nhuận tốt.

Còn kế hoạch năm 2022 được xây dựng hồi tháng 9/2021, đến tháng 11 công ty tiếp tục cập nhật kế hoạch. Công ty thống nhất lấy đấy là cơ sở cho năm 2022.

Ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc chia sẻ là không thể điều chỉnh kế hoạch năm theo từng kỳ dù biết giá phân bón biến động đi lên. Thường quý III hằng năm, DCM sẽ cập nhật lại kế hoạch năm và trình lại.

Đặc biệt, ông Thanh cũng tiết lộ DCM đang tìm kiếm đầu tư kho cảng, chuỗi kho chiến lược ở Long An, và đầu tư các kho cảng ở miền Tây như Đồng Tháp, bên cạnh đó là Bình Phước và sắp tới ở Tây Nguyên. Điều này hỗ trợ trong việc phân phối sản phẩm.

Ngoài ra, hoạt động tự doanh công ty đang có một chiến lược, thay vì đối đầu sẽ chuyển sang hợp tác.

Vì sao công ty chốt dùng 950 tỷ đồng (tỷ lệ 18%) để chia cổ tức năm 2021 trong khi lợi nhuận sau thuế trên 1.800 tỷ đồng?

Ông Thanh khẳng định năm vừa qua là sự nỗ lực của cả công ty để đạt được kết quả đột biến năm 2021. Tỷ lệ cổ tức 18% bằng tiền mặt này cao hơn nhiều so với trước đây. "Theo tôi biết là một số đơn vị khác như Hóa chất Đức Giang chỉ chia bằng cổ phiếu nhằm duy trì dòng tiền", ông Thanh so sánh.

Số tiền hơn 1.000 tỷ đồng DCM giữ lại để thực hiện các dự án tối ưu hóa hiệu suất của nhà máy. Sắp tới DCM sẽ có dự án đa dạng hóa sản phẩm như sản xuất CO2 trực tiếp, đầu tư mạnh hạ tầng, kỹ thuật, đầu tư nghiên cứu phát triển,…

Do đó nhu cầu vốn của DCM rất lớn. Tổng các dự án đầu tư đã đăng ký với Tập đoàn PVN 920 tỷ, bên cạnh đó DCM cũng có kế hoạch huy động vốn vay.

Tổng Giám đốc cho biết, năm 2022, tỷ lệ cổ tức công ty chia là 8% (800 đồng/cp), tuy nhiên đến 2023, tỷ lệ cổ tức có thể lên đến từ 18% đến 20% bằng tiền mặt.

Minh Hằng