|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ của FPT: Không có kế hoạch phát triển hoạt động thương mại bất động sản, tiếp tục tìm kiếm cơ hội M&A trong và ngoài nước

14:59 | 07/04/2022
Chia sẻ
Phó Tổng Giám đốc của FPT cho hay tập đoàn không có ý định đầu tư cho hoạt động thương mại bất động sản, các dự án BĐS đều liên quan tới hoạt động chính của tập đoàn như campus cho trường đại học, trung tâm đào tạo chuyển đổi số hay nhà ở cho cán bộ nhân viên.

Chiều 7/4, Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022.

Tính đến 14h, buổi họp có sự tham gia (trực tiếp, trực tuyến) của hơn 1.800 cổ đông và số lượng uỷ quyền là hơn 700, tương ứng với tổng cộng 67,81% số cổ phần có quyền biểu quyết và đã đủ điều kiện tiến hành. Đại hội cũng đã thông qua toàn bộ các tờ trình.

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của FPT. (Ảnh: H.K).

Năm 2022, tập đoàn lên kế hoạch kế hoạch 42.420 tỷ đồng doanh thu và 7.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 19% và hơn 20% so với thực hiện năm 2021.

 

Trong đó, cả ba khối công nghệ, khối viễn thông, khối giáo dục, đầu tư và khác được kỳ vọng tăng trưởng hai chữ số cả về doanh thu và lợi nhuận. Khối công nghệ dự kiến sẽ tiếp tục đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn.

Năm 2022, tập đoàn muốn duy trì tỷ lệ cổ tức 20% bằng tiền mặt (2.000 đồng/cp). Mức chia của cả năm cụ thể sẽ được ĐHĐCĐ thường niên 2023 quyết định.

 Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên.

Về kế hoạch cổ tức năm 2021, FPT dự kiến trình cổ đông chi trả 20% bằng tiền mặt (2.000 đồng/cp), trong đó 10% đã thực hiện trong năm 2021. 10% còn lại sẽ thanh toán sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt và dự kiến thực hiện trước cuối quý III/2022.

Ngoài ra, công ty dự kiến mức chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu (cứ 100 cp được nhận thêm 20 cp mới) từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty mẹ, nhằm tạo thanh khoản tốt hơn cho cổ phiếu, mang lại giá trị cho cổ đông. Thời gian chi trả cổ tức cổ phiếu trùng với thời gian trả cổ tức tiền mặt 10% còn lại của năm 2021.

Với khối công nghệ, tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phổ lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM... cũng như đầu tư vào hạ tầng công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh.

Mảng viễn thông, FPT dự kiến đầu tư bổ sung một tuyến trục để đảm bảo hệ thống tuyến trục nội địa, tiếp tục nâng cấp chất lượng hạ tầng mạng nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu. 

Tại khối giáo dục, tập đoàn đầu tư mở rộng các khuôn viên tại khu vực Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định; đưa vào hoạt động hai điểm trường phổ thông mới tại Bắc Ninh, Hải Phòng; tiếp tục hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án trường liên cấp tại Quảng Nam, Bắc Giang, Hà Nam...

Tổng chi phí đầu tư dự kiến là 4.000 tỷ đồng, trong đó hết 2.000 tỷ đồng là cho mảng viễn thông, mảng công nghệ dự kiến tiêu tốn 1.200 tỷ, còn lại là khối giáo dục và đầu tư khác.

Thay 3 trong 7 thành viên HĐQT 

Tại buổi họp hôm nay, tập đoàn cũng được ĐHĐCĐ thông qua loạt thay đổi nhân sự cấp cao. Tập đoàn FPT bầu 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027. 

Trong đó, ĐHĐCĐ đã thông qua miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT gồm ông Lê Song Lai, ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E Khoo. Đồng thời, tập đoàn đã bầu bổ sung ông Hiroshi Yokotsuka, ông Hamparur Rangadore Binod và bà Trần Thị Hồng Lĩnh vào HĐQT.

Ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc và ông Đỗ Cao Bảo cùng với ông Jean Charles Belliol sẽ tiếp tục ngồi ghế HĐQT của tập đoàn.

  Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên. 

Theo tài liệu FPT công bố, ông Hiroshi Yokotsuka sinh năm 1951, quốc tịch Nhật Bản. Ông Hiroshi Yokotsuka từng là Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản (2015 - 2019) và là thành viên của một số ủy ban về chính sách Công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước. Hiện ông là Chủ tịch của CeFIL, một tổ chức phi lợi nhuận về thúc đẩy đổi mới sáng tạo có liên quan tới Liên đoàn Doanh thương Nhật Bản (Keidanren).

Về ông Hamparur Rangadore Binod (1962) quốc tịch Ấn Độ, với 36 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin, ông gia nhập Infosys (công ty công nghệ thông tin Ấn Độ lớn thứ 4 thế giới) từ thời kỳ đầu và gắn bó 28 năm.

Còn bà Trần Thị Hồng Lĩnh (1979), bà hiện đang là Phó Trưởng Ban đầu tư 4 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); thành viên HĐQT kiêm người đại diện vốn SCIC tại CTCP Thiết bị Khí tượng thuỷ văn và Môi trường Việt Nam (Hymetco).

Ngoài ra, bà Lĩnh từng làm việc tại Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4, CTCP dược phẩm thiết bị y tế Hà Nội (Hapharco), Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex).

Bên cạnh sự thay đổi nhân sự ở HĐQT thì Ban kiểm soát của FPT cũng có sự biến động khi bà Dương Thùy Dương (1993), Chuyên viên đầu tư của SCIC sẽ thế chỗ bà Nguyễn Thị Kim Anh.

 Ban điều hành nhiệm kỳ 2022 - 2027 của FPT đã có thêm một thành viên nữ. (Ảnh: H.K).

Thảo luận: 

FPT định hướng như thế nào về mảng bất động sản (BĐS) khi tập đoàn đang có kế hoạch phát triển loạt dự án ở Khánh Hoà?

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc của FPT giải đáp tập đoàn không có ý định đầu tư cho hoạt động thương mại bất động sản, các dự án BĐS đều liên quan tới hoạt động chính của tập đoàn như campus cho trường đại học, trung tâm đào tạo chuyển đổi số hay nhà ở cho cán bộ nhân viên.

Chiến lược M&A các năm tới?

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc của FPT chia sẻ FPT vẫn tiếp tục có kế hoạch M&A trong lĩnh vực công nghệ ở cả trong nước và nước ngoài. Với thị trường nước ngoài, FPT sẽ M&A các công ty tư vấn để tiến nhanh hơn trong chuỗi giá trị.

Với thị trường trong nước, sau thương vụ M&A Base.vn năm ngoái thì tập đoàn sẽ tiếp tục M&A các cơ hội tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Kết quả kinh doanh quý I/2022 của tập đoàn

Phó Tổng Giám đốc của FPT tiết lộ doanh thu quý I/2022 của tập đoàn ước đạt 9.500 tỷ, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số lợi nhuận rơi vào khoảng đạt 1.700 - 1.800 tỷ đồng, tăng 26 - 28% so với quý I/2021.

Kế hoạch tăng trưởng các năm tới?

Lãnh đạo tập đoàn tiết lộ FPT sẽ tiếp tục hướng tới tăng trưởng hai con số trong tương lai. 

 Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc của FPT. (Ảnh: FPT).

Kế hoạch thoái vốn FPT Retail (Mã: FRT)?

Phó Tổng Giám đốc cho hay từ năm 2017 tập đoàn đã giảm sở hữu tại FPT Retail, hiện tập đoàn sở hữu gần 47% tại FPT Retail và cũng chưa có ý định thoái vốn tiếp.

Thị trường Nhật tăng trưởng chậm những năm qua, FPT dự kiến tăng trưởng thời gian tới sẽ ra sao?

Ông Phương, Phó Tổng Giám đốc lý giải thị trường Nhật tăng chậm do bán hàng gặp khó. Ở Nhật, FPT có tập quán bán hàng đặc thù khi gặp khách rồi mời sang Việt Nam thăm quan các cơ sở campus rồi mới ký hợp đồng. Do đó, mô hình bán hàng này đã gặp khó do dịch COVID-19. Ngoài ra, giá trị đồng yên giảm mạnh cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng của thị trường này.

Năm 2022, FPT lên mục tiêu tăng trưởng trên 20% ở Nhật khi việc dịch bệnh đã lắng xuống. Trong quý I, ước tính thị trường Nhật Bản tăng trưởng khoảng 20%.

Cạnh tranh nhân lực công nghệ cao ngày càng gay gắt đặc biệt là với doanh nghiệp nước ngoài, FPT có định hướng gì để giải quyết vấn đề này?

Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa cho hay việc cạnh tranh nhân lực công nghệ cao xảy ra trên toàn cầu, hiện có nhiều kỹ sư Việt Nam đang nhận việc online. Ông chia sẻ FPT đang xây dựng môi trường làm việc, chính sách nội bộ khác biệt với mô hình khoán (làm nhiều hưởng nhiều) cùng với chương trình phúc lợi để níu giữ nhân sự.

CEO tập đoàn cũng tiết lộ FPT sẽ tiếp tục tuyển dụng nguồn lao động ở Ấn Độ, Đông Âu khi đang có cơ hội lớn và rất "khát" nhân sự.

Chi phí CAPEX cho mảng viễn thông tăng mạnh trong 2021, ban lãnh đạo có thể lý giải thêm?

Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc thông tin năm 2021 đặc biệt trong nửa cuối năm, FPT Telecom đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng khi nhu cầu sử dụng băng thông cao trong bối cảnh dịch bệnh. Vì vậy, hoạt động đầu tư data center và đài trạm đã làm tăng CAPEX trong năm qua.

Kế hoạch mở room của tập đoàn?

Ông Phương cho biết hiện tập đoàn đang vướng một số ngành nghề (như báo chí, an ninh mạng,...) nên chưa thể nới room quá 49%.

Tiếp tục cập nhật...

Hoàng Kiều

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.