|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dệt may kỳ vọng thoát khỏi khó khăn khi TPP có hiệu lực

20:41 | 18/09/2016
Chia sẻ
Nhiều nước không phải thành viên TPP đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ngành dệt may nội địa khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn do số lượng đơn hàng giảm, khiến tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với mọi năm. Trước tình hình này, các chuyên gia trong ngành kỳ vọng, thời gian tới, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may và giảm bớt khó khăn cho ngành kinh tế chủ lực này.

det may ky vong thoat khoi kho khan khi tpp co hieu luc
Hiệu ứng từ TPP đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp dệt may. (Ảnh minh họa: KT)

Theo Bộ Công Thương, lần đầu tiên xuất khẩu dệt may sụt giảm trong nửa cuối tháng 7, thời điểm được coi là chính vụ. Đến nửa đầu tháng 8, hàng dệt may xuất khẩu tiếp tục giảm 4%, mức tăng trưởng trong 6 tháng cũng chỉ đạt 4,72%, mức tăng trưởng thấp nhất của ngành dệt may trong 10 năm qua.

Những thị trường tiêu thụ nhiều nhất hàng dệt may của Việt Nam là Nhật Bản đạt gần 1,55 tỷ USD, tăng 4,4%; thị trường Hàn Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13,7%. Với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, các nhà nhập khẩu đang muốn đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn hơn là đặt hàng mới. Do đó, số lượng đơn hàng từ thị trường tiềm năng này cũng bị sụt giảm đáng kể.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương dù kỳ vọng đem lại lợi thế lớn cho ngành dệt may nhưng đến nay chưa có hiệu lực. Trong khi đó, hiệu ứng từ TPP lại gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, khi các nước không phải thành viên TPP đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ngành dệt may nội địa nhằm nâng sức cạnh tranh.

Cụ thể, hàng dệt may Việt Nam đang chịu mức thuế suất xuất khẩu vào Mỹ từ 17-18%, vào EU từ 8-12%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho hàng Việt trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với các nước như Campuchia, Myanmar, Lào…

Ngoài ra, khó khăn của dệt may Việt Nam còn nằm ở phần nguyên phụ liệu, trong quy tắc xuất xứ có yêu cầu sợi phải có nguồn gốc từ các nước TPP. Nhưng hầu như chưa có sản phẩm dệt may nào từ Việt Nam được miễn thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam kỳ vọng, khi Hiệp định TPP có hiệu lực sẽ đưa ngành dệt may thoát khỏi bức tranh u ám như hiện nay.

“Khi TPP được ký kết và triển khai thực hiện sẽ có nhiều tác động đối với nền kinh tế của Việt Nam nói chung, đặc biệt là ngành dệt may Việt Nam. Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất trong các nước TPP về dệt may. Trong TPP quy định rất rõ, các mặt hàng như dệt may sẽ có lộ trình giảm thuế về 0%, như vậy sẽ làm tăng hiệu quả sản xuất hàng dệt may của chúng ta xuất sang các nước TPP. Hiện nay các nước TPP chiếm đến trên 60% kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam. Nếu được giảm về 0% thì tác động của nó đối với hiệu quả của ngành dệt may sẽ khá cao”, ông Cẩm khẳng định./.

Theo Chung Thủy

VOV-Trung tâm Tin