|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đèo Cả muốn đầu tư cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn theo mô hình PPP

08:46 | 25/11/2018
Chia sẻ
Tại buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng chiều 24/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ tương xây dựng Dự án cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn. Đây là dự án được đầu tư theo mô hình PPP với tổng kinh phí lên tới 47.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía Công ty CP Đầu tư Đèo Cả ngỏ ý tham gia đầu tư chỉ với 20.938 tỷ đồng, giảm hơn 26.000 tỷ đồng so với nghiên cứu trước đó.
deo ca muon dau tu cao toc cao bang lang son theo mo hinh ppp
Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư Dự án cao tốc nối Cao Bằng - Lạng Sơn

Còn nhớ, vào tháng 4/2017, UBND tỉnh Cao Bằng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) điều chỉnh thời gian thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng sang giai đoạn 2017 - 2020; giao Bộ GTVT hoặc tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư.

Cũng trong kiến nghị này, tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu cho Thủ tướng và đàm phán về nguồn vốn đầu tư trước mắt là khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc.

Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung vào quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 144km tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/03/2016 về Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 47.000 tỷ đồng được tỉnh Cao Bằng kêu gọi bằng hình thức đối tác công tư (PPP), nhưng suốt nhiều năm qua chỉ có 2 nhà đầu tư Trung Quốc thiện chí nghiên cứu dự án đường cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng và chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm, đến tìm hiểu rồi lại ra đi.

Trong bối cảnh đó, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả - một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, đã ngỏ ý muốn tham gia nghiên cứu dự án. Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được điều chỉnh hướng tuyến kết nối với cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng để rút ngắn 29km so với quy hoạch, giảm tổng chiều dài của dự án từ 144km xuống còn 115km với 4 làn xe cơ giới và có 6 hầm xuyên qua núi…

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.938 tỷ đồng, giảm hơn 26.000 tỷ đồng so với nghiên cứu đề xuất của các nhà đầu tư trước đó.

Chiều 24/11, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tiếp tục nêu kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về dự án và xin chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn dài khoảng 115 km.

Giai đoạn 1 thực hiện dự án từ năm 2019 - 2020, đầu tư đoạn tuyến từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP. Cao Bằng với chiều dài khoảng 80km. Giai đoạn 2 đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cao Bằng và đoạn từ TP. Cao Bằng đến cửa khẩu Trà Lĩnh.

Đánh giá về dự án này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tuyến cao tốc không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh Cao Bằng với 333 km đường biên giới với Trung Quốc, mà còn góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí chủ trương đầu tư dự án này theo hình thức PPP, coi đây là một đột phá giúp Cao Bằng tiến lên, là bước đi chiến lược nên phải quyết tâm làm cho được. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý cần tổ chức hội nghị bàn sâu hơn về dự án này.

Chốt lại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Cao Bằng nghiên cứu kỹ để có cơ cấu nguồn vốn hợp lí cho dự án. Giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư dự án là 10.000 tỷ đồng, Thủ tướng đồng ý chủ trương ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương góp 2.000 tỷ đồng, phần vốn nhà đầu tư là 6.000 tỷ đồng.

Xem thêm

Đinh Tịnh