Đến lượt các cửa hàng Khaisilk ở TP HCM đóng cửa
Chiều 27/10, cửa hàng Khaisilk (số 101 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) đóng cửa im lìm - Ảnh: Nguyễn Trí |
Điều này khá bất ngờ vì trước đó, đại diện tập đoàn này cho biết sẵn sàng thu hồi các sản phẩm nếu người mua có mong muốn đổi, trả.
Một khách hàng trong khách sạn Lotte Legend (Q.1), nơi Khaisilk có cửa hàng, cho biết từ chiều 26-10, anh đã thấy cửa hàng bị niêm phong, sau đó một vài người vào mở lấy hàng. "Có vẻ họ muốn lấy mẫu để kiểm tra", anh này cho biết.
Trong khi đó, cửa hàng còn lại trên đường Đồng Khởi (Q.1) được giới thiệu là văn phòng chính của Khaisilk cũng không còn mở cửa như mọi ngày.
Việc cả hai cửa hàng cùng đóng cửa khiến nhiều người thắc mắc, nếu họ muốn trả hàng thì liên hệ ở đâu.
Anh Đăng, làm việc tại một công ty Singapore, cho biết do tính chất công việc mỗi năm đều mua khăn lụa của Khaisilk để tặng các giáo sư người Nhật và mỗi lần tặng anh đều giới thiệu đây là hàng cao cấp của VN. Giờ thông tin chính ông chủ của thương hiệu thừa nhận đó là hàng Trung Quốc, anh Đăng vô cùng thất vọng.
"Thị trường quà tặng khăn lụa có nhiều nhưng tôi đã chỉ tin Khaisilk là hàng "Made in VN" nên mới mua và còn rất tự hào giới thiệu cho các giáo sư nước ngoài", anh Đăng nói.
Mảnh giấy A4 dán bên hông cửa hàng Khaisilk (số 101 Đồng Khởi, Q.1, TPHCM) ghi dòng chữ: "Chúng tôi xin đóng cửa để kiểm tra và điều chỉnh hàng hóa" - Ảnh: Nguyễn Trí |
"Bây giờ ông chủ hãng nói sẵn sàng cho đổi, nhưng làm sao mình đủ can đảm để mở miệng thông báo với người tặng rằng mình đã tặng hàng dỏm cho người ta, mất uy tín cho họ và cả mình", anh Đăng nói.
Không chỉ anh Đăng mà rất nhiều người trong các chuyến đi công tác nước ngoài của mình đều chọn sản phẩm của Khaisilk để làm quà tặng cho đối tác, cho biết cảm thấy thất vọng.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, chuyên gia toàn cầu trong nghiên cứu hành vi của người mua hàng, thời gian tới sẽ dậy lên làn sóng tẩy chay hàng của thương hiệu trên. Sự việc này đã làm tổn thương tâm lý niềm tin hàng tiêu dùng VN, liên lụy đến các sản phẩm VN sau một thời gian dài chật vật của chương trình Người VN ưu tiên dùng hàng VN.
"Về xử lý truyền thông, đến nay ông chủ thương hiệu đã thừa nhận hành vi sai trái của mình. Trên thị trường trước đây cũng đã có những trường hợp thương hiệu lớn gian dối về chất lượng, bị bóc mẽ thì kinh nghiệm cho thấy trong khoảng 3 tháng kể từ khi xảy ra khủng hoảng, người tiêu dùng sẽ lập tức cắt giảm ít nhất 50-60% sức mua", ông Hoàng nhận định.
Tâm lý người tiêu dùng Đông Á rất trọng văn hóa quà tặng. Khi mua một sản phẩm quà tặng cho đối tác, người thân, người ta rất coi trọng xuất xứ, chất lượng sản phẩm, nó như đại diện hình ảnh người đi tặng quà.
Do đó, khi người bán không đáp ứng được nhu cầu đó thì sẽ xuất hiện sự phản kháng rất mạnh, mà rõ nhất là sự tẩy chay sản phẩm. Đặc biệt đối với người VN, thường mong muốn tặng món quà tốt, đẹp nhất.
Cũng theo ông Hoàng, về mặt thu hồi, đây là một động thái đúng trong xử lý khủng hoảng của doanh nghiệp, thế nhưng chính sách thu hồi như thế nào rất quan trọng.
Người tiêu dùng VN mua một sản phẩm dựa vào niềm tin nhiều hơn lý trí, nên khi phát hiện niềm tin bị lợi dụng thì phản ứng của họ sẽ cực đoan hơn những thị trường khác, nhưng đây là điều dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh thông tin thật giả lẫn lộn của mạng xã hội.
Doanh nhân Khải Silk rút khỏi Shark Tank Việt Nam sau scandal bán lụa Trung Quốc
Ông Hoàng Khải – Chủ tịch tập đoàn Khải Sink từng được chương trình Shark Tank Việt Nam công bố là một trong 4 nhà ... |