Đến cá sấu cũng ‘sợ’ thương lái Trung Quốc
Từ mức giá 230.000 đồng/kg, hiện nay giá cá sấu tụt giảm chỉ còn khoảng 60.000-80.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, thương lái Trung Quốc (TQ) mua nhỏ giọt hoặc ngừng thu mua khiến nhiều người nuôi cá sấu buộc phải đóng cửa trang trại.
Đây là bức tranh buồn được các chủ trang trại, doanh nghiệp (DN) nêu ra tại hội thảo “Liên kết nâng cao sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm cá sấu”, do Sở NN&PTNT TP.HCM tổ chức ngày 15-11.
Mọi chuyện phải bàn với thương lái Trung Quốc
Các cơ sở nuôi, DN cá sấu thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngành này. Ông Tôn Thất Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cá sấu Hoa Cà, nhận định giá cá sấu rớt thảm hại và trồi sụt khá lớn không phải do cung cầu mà do vấn đề thu mua.
Ông Hưng phân tích: “Mấy năm nay, các thương nhân nước ngoài, chủ yếu là TQ, vào mua cá sấu sống và sản phẩm từ da cá sấu của Việt Nam ngày càng nhiều. Không cần qua đầu mối trung gian là người Việt như trước đây, họ đến từng hộ nông dân, DN nhỏ để mua trực tiếp. Từ đó các thương lái TQ đã chủ động kiểm soát, khống chế giá cá sấu và “hạ gục” các đầu mối trong nước. Hiện nay mọi chuyện các đầu mối trong nước phải bàn trước với họ và để họ quyết định”.
Chính vì thế năm 2014 giá cá sấu bị thương lái TQ tạo ra cơn sốt ảo, đẩy lên mức cao chưa từng thấy với 230.000 đồng/kg cá sấu loại 3. Thấy lợi trước mắt, các trại nuôi cá sấu trong nước tăng lượng nuôi, hàng loạt trại nuôi mới mọc lên. Đùng một cái đến cuối năm ngoái, giá cá sấu hạ còn 60.000-80.000 đồng/kg và hiện nay chỉ còn quanh quẩn mức giá 70.000 đồng/kg.
Nhiều cơ sở khác cũng thừa nhận ngành cá sấu Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào thị trường TQ. Hệ quả là thương lái TQ lợi dụng tình hình khó khăn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ số lượng ít, không tìm được đầu ra để ép giá, gây bất an cho người nuôi.
Ngành cá sấu đang gặp khó vì phụ thuộc quá lớn vào thị trường TQ. Trong ảnh: Chế biến da cá sấu tại một trang trại. Ảnh: QH |
Đối với việc xuất khẩu các sản phẩm da cá sấu muối cho các nước châu Âu, Nhật Bản cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các DN cho hay khi nắm được tình trạng tồn kho da cá sấu lớn và thiếu liên kết của các công ty Việt, các đối tác nước ngoài săm soi chê bai da xấu để hạ chất lượng xuống loại 2 (giá bán giảm 20%) hoặc loại 3 (giảm 40%).
“Trong giai đoạn này, các công ty, nông dân Việt đã mất thế chủ động hoàn toàn. Giá cá sấu hầu như được quyết định từ bên ngoài” - đại diện một công ty xuất khẩu cá sấu than thở.
Cá sấu các nước sẽ tràn vào Việt Nam
Trước tình hình ngành cá sấu lâm nạn vì bẫy giá do thương lái TQ tạo ra, các cơ sở nuôi và DN đề nghị thành lập Hiệp hội Cá sấu Việt Nam. Qua đó để có tiếng nói chung và bảo vệ ngành chăn nuôi trước sự cạnh tranh không lành mạnh, tạo kẽ hở cho thương lái nước ngoài ép giá.
Đồng thời, các DN cũng kiến nghị cơ quan quản lý có biện pháp ngăn chặn, tuyệt đối không được để thương lái TQ thu mua trực tiếp từ nông dân và làm giá, gây ảnh hưởng đến an ninh kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Trần Văn Nga, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Kinh doanh cá sấu Tồn Phát, cảnh báo việc cạnh tranh giữa các DN trong nước với nước ngoài sẽ ngày càng khốc liệt hơn trong bối cảnh hội nhập. Bởi theo tiến trình giảm thuế mà nước ta cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-TQ đã có hiệu lực, các sản phẩm cá sấu của Thái Lan, Campuchia, TQ… sẽ tràn vào Việt Nam.
“Nếu không có chiến lược xây dựng thương hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm cá sấu trong nước thì chúng ta sẽ mất thị phần ngay tại thị trường nội địa là tất yếu” - ông Nga nhấn mạnh.
Ông Nga cũng cho rằng DN nuôi cá sấu trong nước cần có bộ phận chuyên trách về marketing sản phẩm ra thế giới. Bởi với việc xây dựng được các DN sở hữu thương hiệu mạnh sẽ giúp thương hiệu cá sấu Việt Nam nổi tiếng trên thương trường quốc tế. Song song đó phải đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm chứ không nên lệ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường TQ như hiện nay.
Đại diện Sở NN&PTNT TP.HCM cam kết sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM mở nhiều thị trường xuất khẩu mới cho sản phẩm cá sấu. Mặt khác sẽ đề xuất các cơ quan chức năng kiểm soát tình hình mua bán của thương lái TQ; kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt cá sấu bán tràn lan trên thị trường nhằm ổn định đầu ra cho cá sấu trong nước.
Tôm, cá, thịt… cũng khốn đốn vì thương lái Trung Quốc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng thương lái TQ thu mua bất thường cá tra cỡ nhỏ chỉ 0,3-0,4 kg/con có thể khiến DN cá tra Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Trước đó, từ cuối năm 2015 thương lái TQ đã dùng “bẫy giá” mua cá tra cỡ lớn trên 1 kg/con. Sau đó, nhiều hộ nuôi đã tăng sản lượng cá quá lứa để bán với giá cao mà không cần quan tâm tới chất lượng cá. Tuy nhiên, đến tháng 7-2016, thương lái TQ đột ngột giảm mua, giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, người nuôi lỗ nặng. DN xuất khẩu tôm cũng đang gặp khó vì thương lái TQ tranh mua. Họ đến tận ao của nông dân, sẵn sàng mua cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá thị trường. Vì thế, cho dù có cam kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhưng người nuôi cũng không bán cho DN trong nước. Hiện tượng trên cũng từng xảy ra với nhiều sản phẩm khác như heo, khoai lang, trái cây… Cách nay không lâu, Bộ Công Thương cho biết đã phát hiện 28 người TQ thu mua thanh long trái phép tại Bình Thuận, xử phạt hàng trăm triệu đồng đối với nhiều hành vi vi phạm. Đa phần các đối tượng này qua Việt Nam bằng con đường du lịch, tham quan, dưới hình thức núp bóng DN trong tỉnh, thuê lại nhà xưởng để tổ chức thu mua thanh long. Xuất khẩu hơn 23.000 con cá sấu Số lượng cá sấu tiêu thụ trong nước bình quân 18.000 con/năm, được giết mổ lấy da làm nguồn nguyên liệu cho một số ngành thuộc da và sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 23.000 con cá sấu, trong đó trên 13.000 con cá sấu sống, 6.120 da thuộc và hơn 6.800 da muối. Đáng chú ý, 99,6% số lượng cá sấu sống xuất khẩu sang TQ, còn lại số lượng ít xuất đi Nga, Nhật, Pháp… |