'Đem chuông đi đánh xứ người', GIC Singapore thu được thành quả gì khi vào Việt Nam?
Quỹ GIC Singapore mua 49% cổ phần hãng xếp hạng tín nhiệm Trung Quốc Lianhe từ Fitch Ratings | |
Quỹ GIC sẽ mua 30% cổ phần Công ty quản lý máy bay thương mại lớn nhất thế giới |
Quản lý khối tài sản gần 360 tỷ USD, trải rộng nhiều lĩnh vực
GIC là một dạng quỹ đầu tư quốc gia của Chính phủ Singapore, thành lập vào 1981, thuộc sở hữu của Bộ Tài chính Singapore. Hiện Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là chủ tịch của GIC.
GIC được biết đến là một trong các tổ chức quản lý quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới với hơn 1.600 nhân viên và quản lý số tài sản trên 359 tỷ USD trải rộng trong nhiều lĩnh vực, từ chứng khoán tới địa ốc và tài nguyên thiên nhiên.
Mục tiêu của GIC là đạt được mức sinh lợi tốt cho ngân sách Singapore trong dài hạn. GIC phải đảm bảo mục tiêu tỉ lệ sinh lợi phải cao hơn tỉ lệ lạm phát toàn cầu ở mức phù hợp trong một khoảng thời gian thông thường là 20 năm.
Tỷ lệ tiết kiệm cao của Singapore trong thập niên 1970 đã được GIC tận dụng tối đa để tăng quy mô tài sản. Hiện quỹ này đang có tài sản đầu tư tại hơn 40 quốc gia.
Danh mục đầu tư của quỹ GIC tính đến thời điểm 31/3/2017 (Nguồn: GIC) |
Với hơn 30 năm kinh nghiệm đầu tư đại chúng tại hơn 45 thị trường chứng khoán và thị trường OTC, quỹ GIC đã đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, quyền chọn và tương lai, tài nguyên, ngoại hối, tiền tệ và phái sinh.
Không những nằm trong top 10 các công ty đầu tư bất động sản có tài sản quản lý lớn nhất thế giới mà danh mục đầu tư tư nhân của GIC cũng là một trong các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới với mạng lưới hơn 100 nhà quản lý quỹ giỏi nhất thế giới. Luôn giữ quan điểm thận trọng trong việc tiếp cận đầu tư với thời gian đầu tư dài hạn, GIC luôn thực hiện việc xác định và quản lý rủi ro là một phần không thể tách rời của trách nhiệm quản lý tại tất cả các cấp.
Quỹ này đặt ra một khuôn khổ quy định nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý rủi ro để đảm bảo lợi nhuận cao nhất cho khách hàng.
Trong giai đoạn 20 năm tính đến thời điểm 31/3/2017, GIC đạt được tỷ lệ lợi tức hàng năm là 3,7%, vượt trên mức lạm phát toàn cầu.
Thành công với những đầu tư vào FPT, VJC và PAN tại Việt Nam
Năm 2014, thị trường chứng khoán Việt Nam nóng lên với những thông tin về nhà đầu tư nước ngoài, khi môi trường vĩ mô ổn định và Chính phủ sắp cho phép nới tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại các doanh nghiệp niêm yết. Trong đó, luồng vốn từ nhà đầu tư Singapore trở thành điểm sáng.
Theo xu thế, GIC cũng nhanh chân nhảy vào thị trường Việt Nam với khoản đầu tư đầu tiên tại Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (Mã: PAN). GIC đã cùng The Asian Entrepreneur Legacy (TAEL) Partners chi khoảng 300 tỷ đồng mua gần 10 triệu cổ phiếu PAN vào tháng 3/2014.
Tính đến 31/3/2017, GIC nắm giữ gần 5 triệu cổ phiếu PAN tương đương 4,88% vốn.
Hiện thị giá cổ phiếu PAN ở mức 65.000 đồng/cp, tăng gấp 3 lần trong vòng 4 năm qua. Theo đó, giá trị tài sản của GIC tại PAN tăng lên 325 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu PAN từ khi niêm yết (Nguồn: VNDirect) |
Không chỉ quan tâm đến ngành lĩnh vực thực phẩm và Nông nghiệp, vào tháng 4/2014 GIC cũng đã mua vào 16,3 triệu cổ phiếu FPT của Công ty cổ phần FPT tương đương 3,6% vốn và trở thành cổ đông chính.
Khi đó, giá cổ phiếu FPT dường như đi ngang khá dài sau lần bắt đáy vào năm 2008 do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh không như mong đợi.
“Làn gió mới” mang tên GIC đã làm FPT thay đổi diện mạo nhờ vào sự giúp đỡ về tài chính, kinh nghiệm và nhân lực của một tập đoàn hàng đầu đến từ Singapore.
Tính đến 31/3/2017, GIC vẫn nắm giữ 16,3 triệu cổ phiếu FPT. Hiện thị giá cổ phiếu FPT rơi vào khoảng 61.500 đồng/cp, gấp 2,5 lần so với thời điểm GIC mua vào. Theo đó, GIC đang ôm khối tài sản hơn 1.000 tỷ đồng tại FPT.
Diễn biến giá cổ phiếu FPT từ khi niêm yết (Nguồn: VNDirect) |
Ngoài ra, GIC cũng khá thành công khi đang sở hữu gần 22,71 triệu cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần CTCP Hàng không VietJet, tương đương 5,21% vốn.
Được biết, cuối tháng 12/2016, GIC đã cùng 29 tổ chức quốc tế khác tranh mua 44,8 triệu cổ phiếu VJC với mức giá bình quân là 84.400 đồng/cp. Ước tính, GIC đã chi hơn 1.386 tỷ đồng để đầu tư vào hãng hàng không này.
Ngày 21/3, quỹ đầu tư đến từ Singapore đã bán 265.900 cổ phiếu VJC, qua đó giảm lượng cổ phiếu nắm giữ từ 22,71 triệu xuống còn 22,446 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 4,97%. GIC không còn là cổ đông lớn của VJC.
Tạm tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu VJC ngày 2/4 là 228.100 đồng/cp, thì khoản đầu tư của GIC còn lại tại VietJet lên đến gần 5.120 tỷ đồng.
Thương vụ Vietcombank – GIC vẫn còn “bỏ ngỏ”
Những tưởng thương vụ mua 305,8 triệu cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã: VCB) của GIC sẽ hoàn tất vào cuối năm 2016.
Được biết, quỹ này đồng ý mua cổ phiếu với giá thấp hơn giá thị trường, với tổng trị giá gần 400 triệu USD.
Thế nhưng quỹ hàng đầu thế giới đã gặp thế khó khi chưa nhận được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam.
Theo Bloomberg, chính phủ đã từ chối chấp thuận đề nghị của GIC mua cổ phiếu VCB với giá thấp hơn giá thị trường.
Gặp "vận đen" khi rót vốn vào Vinasun
Trong số khoản đầu tư lớn nhỏ vào Việt Nam, GIC đã không thực sự thành công khi bỏ hơn 200 tỷ đồng vào CTCP Ánh Dương Việt Nam .
Vào cuối tháng 8/2014, quỹ hàng đầu của Singapore đã mua lại 4,5 triệu cổ phiếu VNS (tỷ lệ 7,96%) từ Red River Holdings với mức giá ước tính khoảng 203 tỷ đồng.
Đây cũng là thời điểm các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun vẫn chiếm thế thượng phong trên thị trường, trong khi Grab và Uber mới chỉ xuất hiện trên Thế giới cũng như tại Việt Nam và chưa thực sự được đánh giá cao.
Từ đó tới nay, GIC không mua thêm cổ phiếu VNS và vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 7,96% nhưng số lượng đã tăng lên 5,4 triệu cổ phiếu do chia tách.
Tuy nhiên, hiện tại giá trị cổ phiếu VNS mà GIC nắm giữ chỉ còn khoảng 77,5 tỷ đồng, giảm 58% so với giá vốn ban đầu (tính theo giá cổ phiếu VNS đóng cửa ngày 2/4 là 15.800 đồng/cp).
Diễn biến giá cổ phiếu VNS từ khi niêm yết (Nguồn: VNDirect) |