|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu

15:49 | 02/02/2023
Chia sẻ
Dựa theo tình hình thực tiễn, Bộ Công Thương cho rằng cần sửa đổi quy định liên quan đến thu hồi, đình chỉ giấy phép kinh doanh xăng dầu, tránh việc đứt gãy nguồn cung ở một số khu vực mà doanh nghiệp đang kinh doanh.

Tại dự thảo 2 tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất xem xét thêm các nội dung về trường hợp đình chỉ, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với thực tiễn phát sinh.

Theo quy định hiện hành, việc thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu) được Bộ Công Thương thực hiện khi doanh nghiệp vi phạm một trong số các lỗi sau:

“Thương nhân không hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian một quý trở lên; thương nhân không thực hiện đủ tổng nguồn tối thiểu được Bộ Công Thương giao trong hai năm liên tiếp; thương nhân bị phá sản theo quy định của pháp luật.

Thương nhân không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định này, thương nhân không dự trữ xăng dầu theo đúng quy định tại Điều 31 Nghị định này; thương nhân vi phạm nhiều lần quy định về bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường tại Nghị định này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật…”

Bộ Công Thương đề xuất chỉ áp dụng đình chỉ giấy phép kinh doanh xăng dầu khi doanh nghiệp vi phạm về buôn lậu, chất lượng hoặc đang bị cơ quan chức năng điều tra, xử lý. (Ảnh: Hoàng Anh)

Đối với các lỗi như thương nhân không đáp ứng đủ điều kiện về số lượng đại lý, cửa hàng trực thuộc theo quy định tại Nghị định và thương nhân không dự trữ xăng dầu theo đúng quy định tại Điều 31 của Nghị định, đây là những lỗi doanh nghiệp rất hay mắc phải trong quá trình kinh doanh.  

Do hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp luôn có biến động, phụ thuộc vào tình hình thị trưởng từng giai đoạn nên có những thời điểm có doanh nghiệp không có đủ 40 đại lý bán lẻ xăng dầu (hoặc 10 cửa hàng thuộc các đại lý đối với thương nhận phân phối), 10 cửa hàng trực thuộc (5 cửa hàng đối với thương nhân phân phối) trong hệ thống.

Mặt khác, tồn kho xăng dầu có những giai đoạn phải tăng mạnh lượng bán cho thị trường để duy trì việc cung ứng xăng dầu cho thị trường, trong khi hàng chưa về kịp (có thể do các yếu tố khách quan như thời tiết, dịch bệnh, hoặc chủ quan do đặt hàng chậm...) nên lượng hàng tồn kho không đủ 20 ngày dự trữ đối với thương nhân đầu mối (5 ngày đối với thương nhân phân phối) theo quy định.

Các lỗi này nếu ở mức độ nhẹ, không thường xuyên và kéo dài về cơ bản không làm ảnh hưởng đến thị trường và gây hậu quả gì.

Tuy nhiên, khi vi phạm các lỗi này doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép theo quy định, việc này có thể dẫn đến những hệ lụy rất lớn cho thị trường về việc đứt gãy nguồn cung ở một số khu vực mà doanh nghiệp đang kinh doanh.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần rà soát nội dung này và sửa đổi theo hướng nếu doanh nghiệp có vi phạm (vi phạm hành chính) lần 1 sẽ xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao.

Khi vi phạm lần 2 (sau 3 tháng đối với thương nhân đầu mối và 30 ngày đối với các đối tượng còn lại kể từ khi công bố quyết định vi phạm lần 1) tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính nặng hơn; khi vi phạm lần 3 thì thu hồi giấy phép hoạt động.

Đối với nội dung về đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng chỉ thực hiện khi doanh nghiệp vi phạm về buôn lậu, chất lượng hoặc đang bị cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

Hoàng Anh