|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất sáp nhập thêm tỉnh, thành như vụ Hà Nội-Hà Tây để tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên

10:37 | 26/10/2018
Chia sẻ
"Ngân sách Nhà nước, tiền thuế của dân không thể chịu nổi, khi chi thường xuyên chiếm hơn 60%, số tiền còn lại dành cho quốc phòng an ninh, còn đâu để đầu tư phát triển", đại biểu Tạ Văn Hạ nói và đề xuất sáp nhập thêm tỉnh, thành để tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên.

Sáng nay (26/10), Quốc hội thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đánh giá việc đổi mới sắp xếp bộ máy còn chậm, bộ máy còn cồng kềnh, chưa tinh giản được đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ yếu kém. Ngân sách dành cho chi trả lương còn lớn.

de xuat sap nhap them tinh thanh de tinh gian bien che giam chi thuong xuyen
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu). Ảnh: Quochoi.vn.

“Quyết tâm của Chính phủ đã lên cao, hành động đã quyết liệt. Vẫn hiểu tinh gọn bộ máy không thể làm được ngày một ngày hai. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước, tiền thuế của dân không thể chịu nổi, khi chi thường xuyên chiếm hơn 60%, số tiền còn lại dành cho quốc phòng an ninh, còn đâu để đầu tư phát triển”, đại biểu Hạ nói.

Hiến kế một giải pháp cho vấn đề trên, ông Hạ nói Trung ương, Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu sáp nhật một số tỉnh, thành.

Ông lấy ví dụ, nhìn sang các nước láng giềng, có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố; có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành. Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới 1986 gồm 44 tỉnh, thành nhưng nay đã là 63 tỉnh.

Ông Hạ cũng cho biết, gần đây, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.

Từ thực tiễn kinh nghiệm nêu trên, ông Hạ đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, nên nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố. “Nếu quyết tâm cao, đây là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy”, ông Hạ khẳng định.

Trước đó, ngày 29/5/2008, hơn 92% đại biểu Quốc hội đã ấn nút thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Theo nghị quyết này, với việc hợp nhất toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã huyện Lương Sơn (Hòa Bình), Thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ có diện tích 3.324,92 km2 với dân số gần 6 triệu người, có 29 đơn vị hành chính quận, huyện, 575 đơn vị xã, phường, thị trấn.

Xem thêm

Khánh Hà