Đề xuất 'nới' quy hoạch phát triển vận tải hàng không
Tập đoàn hàng không Thụy Sỹ được mời chào mua cổ phần tại ACV, đầu tư vào sân bay Vân Đồn | |
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị dừng thu phí ô tô vào sân bay |
Dự thảo này đã được cập nhật trên cơ sở các phản biện khoa học của Hội Khoa học và công nghệ hàng không, Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không, theo yêu cầu của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, đến năm 2030, thị trường hàng không Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển, với việc nâng cấp 3 trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa ngang tầm ASEAN tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và hình thành thêm 3 cụm logistic là Vân Đồn, Chu Lai, Long Thành.
Bộ GTVT dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm trong giai đoạn đến năm 2020 và 8%/năm giai đoạn 2020 - 2030; hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn đến 2020 và 12%/năm giai đoạn 2020 - 2030; sản lượng vận chuyển đạt 64 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030.
Tốc độ tăng trưởng dự báo này cao hơn từ 2 - 4% so với Quy hoạch và cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của hàng không thế giới.
Nhiều chuyên gia đánh giá, mức dự báo của Bộ GTVT là chưa hợp lý, khi cả Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Boeing và Airbus đều cho rằng, tỷ lệ co giãn giữa tăng trưởng vận tải hàng không và GDP của một quốc gia chỉ khoảng 1,6 lần.
Tuy nhiên, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam lại cho rằng, thực tế, trong giai đoạn 2010 - 2017, tại Việt Nam, hệ số này dao động từ 1,5 đến 4 lần, trong đó phần lớn là 2 - 2,5 lần, nên việc dự báo tốc độ tăng trưởng như vậy là phù hợp.
Liên quan đến việc phát triển đội tàu bay, theo đề xuất của Bộ GTVT, số lượng tàu bay khai thác của các hãng hàng không đến năm 2020 là trên 220 chiếc và đến năm 2030 là 400 chiếc, tăng từ 70 - 100 chiếc so với Quy hoạch.
Điều này xuất phát từ thực tiễn bởi theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, đến hết tháng 1/2018, tổng số tàu bay của các hãng hàng không trong nước đang là 173 chiếc. Trong khi đó, lượng tàu bay được xác định tại Quy hoạch cũ (Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2009) đến năm 2020 chỉ từ 140-150 chiếc.
Ngoài ra, Dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ khai thác 23 cảng hàng không với sản lượng 144 triệu lượt hành khách/năm; đến năm 2030, sẽ khai thác 28 cảng hàng không với sản lượng 308 triệu lượt hành khách/năm.
Để đạt được mục tiêu này, tổng kinh phí đầu tư dự kiến ước khoảng 350.500 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2020 là 84.400 tỷ đồng.
Trước đó, theo Quy hoạch cũ, sau 7 năm triển khai, quy mô thị trường hàng không dù có bước tiến dài, nhưng vẫn chỉ đứng thứ 5 trong ASEAN, chưa thu hút được nhiều hãng hàng không lớn mở đường bay thẳng liên lục địa đến Việt Nam; kết cấu hạ tầng một số cảng hàng không, sân bay lớn ở tình trạng quá tải… Do vậy, tại cuộc họp hồi cuối tháng 11/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh "việc điều chỉnh Quy hoạch là cần thiết, tạo khung pháp lý để tiếp tục phát triển GTVT hàng không trong thời gian tới, bảo đảm bền vững, an toàn”.
Có thể thấy, việc nâng công suất các cảng hàng không và nới quy mô phát triển đội tàu bay trong vòng 3 năm tới là hai điều kiện cần, để mở ra cơ hội gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư mới, bên cạnh 4 hãng hàng không đã có giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vietjet và Vasco.