|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đề xuất nghề quản lí vận hành nhà chung cư không cần phải 'xin phép'

22:57 | 07/10/2019
Chia sẻ
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sửa đổi Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2016. Theo đó, kinh doanh dịch vụ quản lí, vận hành nhà chung cư không cần phải đăng kí kinh doanh.

Cụ thể, VCCI đã tiến hành rà soát 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh trong Danh mục và nhận thấy 22 ngành nghề kinh doanh cần được xem xét để bãi bỏ ra khỏi danh mục. Trong đó có kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư (Mục 119).

Theo quy định hiện hành, tại Khoản 2, Điều 105 của Luật Nhà ở 2014 thì đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải có đủ điều kiện về chức năng và năng lực theo quy định sau: Được thành lập, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Hợp tác xã và có chức năng quản lý vận hành nhà chung cư.

Bên cạnh đó, phải có các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư bao gồm bộ phận kỹ thuật, dịch vụ, bảo vệ an ninh, vệ sinh, môi trường;

Đồng thời, có đội ngũ cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu về quản lý vận hành nhà ở bao gồm lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật điện, nước, phòng cháy, chữa cháy, vận hành trang thiết bị gắn với nhà chung cư và có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Sở dĩ bởi thời gian gần đây công tác quản lý vận hành tại nhiều chung cư có sự bất cập và dấy lên những nghi ngờ về lợi ích chung hay chiếm đoạt của công. Hàng loạt chung cư đỏ rực băng rôn phản đối Ban quản trị (BQT), Ban quản lý tòa nhà vì mập mờ tài chính.

Đơn cử tại chung cư 310 Minh Khai, Ban quản trị thông qua sự giới thiệu của một người thuộc chủ đầu tư đã ký hợp đồng quản lý vận hành nhà chung cư với công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại HT Việt Nam trong thời hạn 1 năm. Mặc dù khoảng thời gian quản lý khá ngắn nhưng phía ban quản lý này đã bị cư dân tố gian lận kê khai, chi nhiều khoản vô lý đến hàng trăm triệu đồng.

Lo sợ sự trục lợi của BQT, tại nhiều nhà chung cư tại Hà Nội, ban kiểm soát đã được lập ra, hoạt động bên cạnh BQT. Nguyên nhân khiến dân ở chung cư lập ban kiểm soát là do BQT không làm đúng vai trò của mình, có hiện tượng trục lợi phí bảo trì và nhiều khoản phí hoạt động khác…

Các chung cư đã thành lập ban kiểm soát như: Khu chung cư Hoàng Anh Gold House (HAGH) ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM; Chung cư TSQ Mỗ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội… Ở một số chung cư, ban kiểm soát được hình thành dưới các tên gọi khác nhau: Tổ kiểm tra, tổ giám sát. Có nơi cư dân còn gắn cho cái tên “Ban quản trị mở rộng”…


Ngọc Mai