|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất lập hai quận mới sau khi TP Huế trực thuộc Trung ương

15:50 | 28/09/2024
Chia sẻ
TP Huế trực thuộc Trung ương được lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích, dân số của Thừa Thiên Huế, hai quận mới dự kiến thành lập là Phú Xuân và Thuận Hóa.

Sáng 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp đơn vị hành chính tại địa phương.

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên, dân số gần 1,24 triệu với 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: TP Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và 6 huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới, Quảng Điền, Phong Điền.

Theo đề án, TP Huế trực thuộc Trung ương có hai quận mới là Phú Xuân, Thuận Hóa, được chia tách từ TP Huế hiện nay; thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở huyện Phong Điền; huyện Phú Lộc mới trên cơ sở sáp nhập huyện Nam Đông với huyện Phú Lộc. 11 phường, một thị trấn và một xã mới dự kiến được lập trên cơ sở sắp xếp 21 đơn vị cấp xã.

Sau sắp xếp, TP Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị cấp huyện, gồm hai quận, ba thị xã và 4 huyện.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Media Quốc hội

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế có vai trò kết nối ba miền Bắc - Trung - Nam, có bề dày về lịch sử, văn hóa. Thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo động lực phát triển mới, đóng góp thiết thực cho khu vực miền Trung và cả nước; bảo tồn, phát huy tốt hơn giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Về tên gọi, Chính phủ đề nghị tiếp tục sử dụng "TP Huế" nhằm gắn với địa danh Huế có lịch sử lâu đời, quen thuộc với người dân và bạn bè quốc tế.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành cần thiết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, cho rằng đề án thể hiện sự đổi mới trong tư duy về phát triển đô thị. Đây là tiền đề đưa Huế trở thành trung tâm của cả nước về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị kỹ các điều kiện trong tổ chức chính quyền đô thị phù hợp; chuyển đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp; chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh, chất lượng đời sống cư dân đô thị.

Đại Nội Huế là tâm điểm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Ngọc Thạnh

Tháng 12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại hội nghị Trung ương 10 khóa 13 ngày 18-20/9/2024, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, giao Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan và địa phương hoàn thiện Đề án trình Quốc hội khóa 15 xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 10.

Thừa Thiên Huế là địa phương duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 6 di sản riêng, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam, mộc bản triều Nguyễn, châu bản triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế. Hai di sản chung với các địa phương khác là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ.

Sơn Hà