Ngoài Aeon Mall, Huế còn những dự án nghìn tỷ nào đang triển khai?
Tuần trước, Aeon Mall Huế chính thức mở cửa đón khách chỉ sau 1 năm 7 tháng thi công. Đây là trung tâm thương mại thứ 7 tại Việt Nam của tập đoàn Nhật Bản, đồng thời đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên và của thương hiệu Aeon tại khu vực miền Trung.
Với quy mô vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, Aeon Mall Huế cũng là trung tâm thương mại, vui chơi giải trí lớn nhất khu vực, là một trong những động lực góp phần tạo nên diện mạo mới khi Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị để trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Ngoài Aeon Mall, Thừa Thiên Huế còn đang triển khai một số dự án lớn với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng được dự kiến sớm hoàn thành trong năm nay hoặc năm sau.
Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (cầu Nguyễn Hoàng) được khởi công ngày 23/12/2022, do liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Trung Chính – CTCP Quản lý và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế - CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại xuất nhập khẩu Việt Anh - CTCP Đường bộ I TT - Huế thi công. Dự án có tổng mức đầu tư 2.281 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây cầu hơn 1.500 tỷ đồng.
Theo thiết kế, cầu vòm thép gồm 5 nhịp, rộng 43 m, 6 làn xe, làn đi bộ rộng 3 m, đường dẫn hai đầu dài 210 m. Kết cấu cầu bằng bêtông cốt thép, khả năng thông thuyền tối thiểu rộng 30 m, cao 6 m. Điểm đầu của cầu là đường Nguyễn Hoàng, phường Kim Long, điểm cuối đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc.
Cuối tháng 8, dự án đã chính được hợp long xong vòm thép nhịp chính thượng, hạ lưu. Theo kế hoạch, cầu sẽ được thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2024 và dự kiến sẽ rút ngắn thời gian hoàn thành vào dịp tháng 3/2025 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ đầu tư dự án (thay vì tháng 12/2025).
Cầu Nguyễn Hoàng hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc, giảm tải lưu lượng xe cho tuyến quốc lộ 1 và nhiều tuyến qua trung tâm TP Huế. Ngoài ra, cầu giúp hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía tây thành phố, phát triển kinh tế xã hội, du lịch dịch vụ, cải thiện đời sống dân sinh.
Cầu vượt cửa biển Thuận An
Một dự án hạ tầng khác đang được triển khai là Cầu vượt cửa biển Thuận An thuộc Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án bao gồm 3 đoạn tuyến và 1 cầu qua cửa biển Thuận An, với tổng chiều dài khoảng 21,8 km. Dự án có tổng mức đầu tư hoàn thiện lên đến 3.496 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương và được xem là “đại dự án” của tỉnh.
Dự án được khởi công tháng 3/2022, do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư và liên danh CTCP Xây dựng Tân Nam - CTCP Tập đoàn Đạt Phương - Công ty 479 Hòa Bình thi công.
Trong giai đoạn 1, dự án tập trung xây dựng đoạn tuyến số 1 dài gần 8km, trong đó bao gồm cầu Thuận An dài 2,36 km, được coi là cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung. Cầu được xây dựng có điểm bắt đầu từ cầu Tam Giang đến cầu qua cửa biển Thuận An, kết thúc tại nút giao Quốc lộ 49A - 49B thuộc phường Thuận An, TP.Huế, trong đó phần cầu qua cửa Thuận An dài khoảng 2,36 km, bề rộng 20 m, 4 làn xe.
Đây là hạng mục khó nhất của dự án, bởi môi trường làm việc ở độ cao so với mực nước biển gần 40m, cao hơn cầu bình thường gần 19m. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 3/2025 với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 2.400 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh, dự án sẽ là điểm kết nối tuyến đường ven biển Thừa Thiên Huế dài hơn 127 km, nằm trong quy hoạch tổng thể đường ven biển quốc gia, tạo ra hơn 1.500 ha quỹ đất lợi thế hai bên để phát triển kinh tế - xã hội vùng biển.
Ngoài ra, công trình cũng tạo thuận lợi cho vận tải theo hướng Bắc – Nam, tăng tính kết nối tại các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm miền Trung.
Dự án đầu tư xây dựng bến tổng hợp container số 4 và 5 cảng Vsico Chân Mây
Ở mảng hạ tầng cảng biển, Thừa Thiên Huế đang triển khai thi công dự án đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và 5 cảng Vsico Chân Mây. Dự án được khởi công từ tháng 4/2024 có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thuộc địa phận cảng biển Chân Mây, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dự án do CTCP Hàng hải Vsico (Hà Nội) làm chủ đầu tư, với diện tích sử dụng đất và mặt nước khoảng hơn 26 ha, tổng kinh phí đầu tư gần 1.700 tỷ đồng.
Theo thông tin dự án, cảng Vsico Chân Mây gồm bến số 4, bến số 5 có hạ tầng cầu cảng, kho, bãi, trang thiết bị đảm bảo điều kiện cung cấp dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, lưu kho bãi, vận tải hàng hóa và các dịch vụ liên quan đến vận tải, dịch vụ hỗ trợ; xây dựng 2 cầu cảng cho tàu hàng tổng hợp - container với tổng chiều dài 540 m cùng kho, bãi, hạ tầng kỹ thuật, máy móc thiết bị… đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEUS.
Dự kiến đến quý II/2025, bến số 4 sẽ đưa vào khai thác; bến số 5 hoạt động vào đầu năm 2026; sản lượng thông qua cảng mỗi năm dự kiến khoảng 5 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu. Với các tàu container, sản lượng hàng hóa qua cảng dự kiến 80.000 - 100.000 TEUS mỗi năm.
Nhà máy điện rác Phú Sơn
Cũng trong tháng 4 vừa rồi, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện lễ khánh thành Nhà máy điện rác Phú Sơn với tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng, công suất 600 tấn/ngày đêm. Đây được xem là nhà máy xử lý rác thải lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đại nhất khu vực miền Trung hiện nay.
Dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn được xây dựng vào tháng 11/2021 trên diện tích quy hoạch khoảng 11,234 ha (bao gồm bãi chôn lấp tro bay, trạm phát điện và các công trình phụ trợ khác) tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB (Thừa Thiên – Huế; thuộc tập đoàn Everbright Environment) làm chủ đầu tư, thời gian vận hành là 25 năm (bao gồm cả thời gian xây dựng).
Đây là dự án nằm trong “Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, là dự án biến rác thải thành năng lượng hiện đại đầu tiên ở miền Trung Việt Nam do Everbright Environment xây dựng.
Ngoài những dự án trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục để khởi công các dự án: đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; đường vành đai 3; dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo Điện Cần Chánh.
Đồng thời, tỉnh này hoàn thiện đề án thành lập Khu công nghệ cao; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành hồ sơ thủ tục sớm khởi công dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn.