Đề xuất lấp 1 ha hồ Thành Công xây nhà là 'lạc' quy hoạch, khó chấp nhận
Đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công theo các chuyên gia quy hoạch là không theo quy hoạch, thậm chí 'chưa nghĩ đến việc phải trả giá'. |
Đây là những đánh giá của các chuyên gia quy hoạch trước đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà chung cư.
Trao đổi với phóng viên về đề xuất của doanh nghiệp lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư, phần diện tích bị lấp sẽ được đào hoàn trả trong dự án mới, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc và đô thị Hà Nội cho rằng, đề xuất là không theo quy hoạch và nếu đề xuất chỉ vì mục tiêu cải tạo chung cư là điều khó có thể chấp nhận được.
"Hà Nội đang phát triển cây xanh mặt nước đề xuất như vậy là không theo quy hoạch. Trong quy hoạch chung thủ đô phát triển cải tạo chung cư cũ phải theo quy hoạch. Người ta không lấp hồ thì lại lấp hồ là không hợp lý", ông Nghiêm nói.
Cũng theo ông Đào Ngọc Nghiêm, về phương án của doanh nghiệp trong đề xuất nâng tầng nhà chung cư cũ khi cải tạo cũng phải tuân thủ theo quy hoạch Thủ đô đã được duyệt. "Trong quá trình cải tạo chung cư cũ có nhiều giải pháp không bền vững như việc xây ốp, xây chen.
Tất cả đến nay đều không ổn định gây khó khăn cho giai đoạn tiếp theo. Dù phương án này thì cũng phải đảm bảo cho Hà Nội phát triển ổn định lâu dài, phải tuân thủ theo quy hoạch nếu đặc biệt thì phải cân đối trên toàn địa giới Thủ đô chứ không phải nhấn vào một vùng nào", ông Nghiêm phân tích.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích, phải đặt câu hỏi vì sao các khu chung cư càng xây về phía Tây, Tây Nam thì càng ngập nhiều, đặc biệt là phía Hà Đông. Tất cả các khu đô thị mới sau này ở khu vực trên đều xây dựng trên cơ sở các hồ ao, ruộng lúa. Trước đây, nhân dân trồng lúa rất kinh nghiệm, chỗ nào trũng thì mới trồng lúa, còn cao ráo thì trồng hoa màu, cây cối. Ở cạnh đó, thường có ao hồ nhưng chúng ta lấp đi để xây dựng khu đô thị mới.
“Chúng ta không hề có cốt nền chuẩn của từng khu vực. Hiện nay, quy hoạch của chúng ta thiếu cốt nền. Chúng ta chỉ có cốt nền trên giấy thôi, khi thực hiện quy hoạch không ai làm”, KTS Tùng nhấn mạnh.
Theo KTS Tùng, hiện nay trong quy hoạch đô thị đã quy định, khi xây dựng đô thị ít nhất phải để lại 20% diện tích để làm hồ điều hòa, đường đi lại và công viên cây xanh. Nhưng mà chẳng có khu đô thị nào có hồ cả, thậm chí Linh Đàm là khu đô thị kiểu mẫu nhưng hồ cũng lấp đi một phần. Đó là một hiện trạng bất cập của việc quản lý quy hoạch rất kém.
“Khi quy hoạch, chúng ta chỉ nghĩ được khoảng 10 năm thôi, chứ không nghĩ đến trả giá sau này. Quy hoạch của chúng ta là quy hoạch trên giấy, quy hoạch cứ vẽ ra mô hình 3D để cho đẹp thôi. Thậm chí quy hoạch đang chiều lòng, chạy theo yêu cầu của nhà đầu tư. Với doanh nghiệp lợi nhuận là ưu tiên cao nhất”, ông Tùng nói.
Ông Tùng cho rằng, dù đây mới là đề xuất của doanh nghiệp nhưng cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội phải có quan điểm rõ ràng. “Ở khu vực hồ Thành Công lâu nay dư luận đang bức xúc vì có nhiều cao ốc xây bịt mặt, nay việc đề xuất lấp 1ha hồ thì phải nghĩ đến việc phải trả giá sau này. Giám sát quy hoạch là chính quyền, các cơ quan chức năng của thành phố chứ không phải ai cả. Còn doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, nếu bật đèn xanh cho họ thì họ làm”, ông Tùng nhấn mạnh.