|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất đưa EVN, PVN, Viettel vào đối tượng của Luật đầu tư công

10:53 | 14/06/2019
Chia sẻ
Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục đầu tư công trung hạn vẫn giữ như hiện hành.

Ngày 13/6 Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với gần 91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Theo đó, luật giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, không thay đổi thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục đầu tư công trung hạn.

Trước khi đại biểu bấm nút, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đã báo cáo giải trình một số vấn đề còn ý kiến khác nhau. Theo ông Hải, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định để đưa Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) vào đối tượng đầu tư công và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện.

Tuy nhiên, cơ quan thường trực Quốc hội cho rằng, Điều 4 Luật sửa đổi quy định đối tượng, cơ quan được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công gồm "cơ quan, tổ chức khác được giao kế hoạch đầu tư công". Mặt khác, vốn nhà nước để lại cho đầu tư tại một số tập đoàn từ năm 2019 được đưa vào thu ngân sách nhà nước, phân bổ và giao dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Vì thế, nếu PVN, EVN, Viettel được giao kế hoạch đầu tư công thì chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư công theo quy định tại khoản 4 điều 4. "Quy định trên đã bảo đảm tính bao quát và chặt chẽ", Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định.

dai-bieu-bam-nut-1737-1560405652

Các đại biểu bấm nút thông qua dự án Luật tại Quốc hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Giải trình về thẩm quyền quyết định chủ trương, danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nói thêm, ngày 3/6 Quốc hội đã đưa ra 2 phương án lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội. Phương án 1, Quốc hội quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương. Trường hợp cần thiết, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phương án 2, Quốc hội chỉ quyết định danh mục các dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Tuy nhiên, không phương án nào nhận được trên 50% đại biểu Quốc hội lựa chọn, nên Luật sửa đổi vẫn giữ quy định hiện hành. Quốc hội là cơ quan thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu, dự án trọng điểm quốc gia, nhưng chỉnh lý một số chi tiết để đảm bảo đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước.

Luật sửa đổi cũng phân cấp mạnh hơn thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công cho Bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, Bộ, ngành, địa phương có quyền thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn được cấp có thẩm quyền phân bổ.

HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A của địa phương sử dụng bất kỳ loại vốn nào, gồm hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương. Quy định này đảm bảo thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, HĐND và tăng tính chủ động khi xử lý dự án dùng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau.

Ngoài ra, luật sửa đổi cũng quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan liên quan với trình tự, thủ tục đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, đảm bảo phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, Quản lý nợ công và đầu tư công.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.

Anh Minh