Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi, hiệu lực thi hành từ 1/1/2020
Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đó là: Đổi mới phương thức kế hoạch hóa, đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề "con gà, quả trứng" - nghĩa là vốn có trước hay dự án có trước.
Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi, hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tại phiên họp Quốc hội sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7 đến Điều 10), UBTVQH tiếp thu theo kết quả phiếu xin ý kiến của đa số đại biểu, giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C thể hiện tại các điều từ Điều 7 đến Điều 10 của dự thảo Luật.
Về thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn (Điều 60, 62), UBTVQH tiếp thu theo kết quả phiếu xin ý kiến của đa số đại biểu, theo đó, tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến về các nội dung theo quy định tại Điều 49 của Luật này; Riêng kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của năm đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này.