|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Quốc hội duyệt hết được 9.000 dự án đầu tư công không?'

16:54 | 28/05/2019
Chia sẻ
Danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn nên để cho Quốc hội quyết định thay vì Chính phủ, theo kiến nghị của đa số đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quốc hội duyệt hết được 9.000 dự án đầu tư công không? - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) - Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, tại buổi thảo luận, cho ý kiến của Quốc hội liên quan đến Luật đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ lo ngại rằng khối lượng dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội lớn, khó khả thi.

Nâng lên 20.000 tỉ thì không có dự án nào cho Quốc hội phê duyệt

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thấy nên giữ nguyên quy định như hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, là 10.000 tỉ đồng thay vì đưa lên mức 20.000 tỉ đồng như đề xuất của Chính phủ. 

"Thực tế, mức 10.000 tỉ cũng là cao vì 10 năm chỉ có 2 dự án đạt tiêu chí quan trọng quốc gia, nếu tăng lên 20.000 tỉ có thể sẽ không còn dự án nào phải trình Quốc hội. Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không quyết định dự án nào là bất hợp lý", ông Hàm nói.

Theo đại biểu Phú Thọ, để Quốc hội quyết định mới bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền hạn về phân bổ ngân sách trung ương theo Hiến pháp, vì dự án là linh hồn của kế hoạch đầu tư.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) lại cho rằng đầu tư công hiện nay đang là nút thắt trong phát triển kinh tế, cần phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm, đảm bảo kế hoạch đầu tư công linh hoạt, sát thực tế. 

"Thẩm quyền trình phê duyệt thì giao Chính phủ quyết định theo đúng kế hoạch đã được Quốc hội thông qua. Nếu quy định phương án Quốc hội quyết định sẽ phát sinh khó khăn như quy trình thủ tục sẽ không chuẩn bị kịp. Đơn cử hiện có hàng nghìn dự án với hàng nghìn hồ sơ, tài liệu, các đại biểu khó có thể nghiên cứu và có đủ thời gian thẩm định dự án, làm dự án bị kéo dài, mất thời gian", bà Hạnh nói.

"Nhiều dự án đòi hỏi điều chỉnh kịp thời, nếu chờ Quốc hội phê duyệt sẽ phát sinh thủ tục hành chính, trong khi thời gian họp của Quốc hội không nhiều, cần sử dụng một cách hiệu quả. Nếu chọn Chính phủ phê duyệt thì Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm và Quốc hội giám sát tối cao".

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quốc hội duyệt hết được 9.000 dự án đầu tư công không? - Ảnh 2.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) không đồng tình: Thẩm quyền quyết định dự án là của Quốc hội, vì giao Quốc hội hay Chính phủ thì Chính phủ đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng về dự án. Thực tế có những trường hợp đã giao cho Chính phủ nhưng lại nói "không chuẩn bị kịp", nên vấn đề ở đây là do tổ chức thực hiện, thời điểm trình.

"Có đại biểu cho rằng có hàng nghìn trang tài liệu thì không thể xem xét hết, Quốc hội không cần thiết phải đi soi lại tất cả, nên không phải băn khoăn không có thời gian, điều kiện. Cần thiết chúng tôi thuê chuyên gia đánh giá, thẩm định, quan trọng nhất là khâu thực hiện, vướng ở đâu", ông Xuyền cho hay.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cũng cho rằng cần mổ xẻ xem đầu tư công thời gian qua chậm do vướng quy định pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu, thiếu đồng bộ, nhất quán, tập trung.

"Chính phủ nói sợ mất thời gian là không phù hợp, vì vấn đề quan trọng thì cần bao nhiêu thời gian cũng không là vấn đề. Thực tiễn ở TP.HCM cho thấy nhiều dự án đầu tư công mỗi năm và mỗi kỳ không có vướng mắc gì trong thực tiễn thì tại sao phải sửa luật?", bà Tâm tranh luận. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quốc hội duyệt hết được 9.000 dự án đầu tư công không? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Quochoi.vn

"Mỗi năm chỉ có 2 kỳ Quốc hội mà sa đà thì khó khả thi"

Giải trình lại với các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng tình rằng nguyên nhân sửa Luật đầu tư công không phải là do bất cập của luật, mà do thực hiện còn nhiều vướng mắc.

Dẫn chứng, ông Dũng cho biết hiện nay hầu hết dự án do các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị và Bộ KH-ĐT thay mặt Chính phủ trình Quốc hội. "Tuy nhiên, việc triển khai, chuẩn bị dự án yếu kém, tùy tiện về chất lượng, thậm chí có lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ", bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, việc tổ chức đầu thầu, giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án rất chậm là do các cấp không thực hiện nghiêm và quyết liệt, dẫn đến không đủ thủ tục giao và triển khai dự án, hằng năm bộ phải đi kiểm tra, giám sát để tháo gỡ khó khăn.

Vì vậy, sửa luật là để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong điều chỉnh, phê duyệt dự án.

"Về thẩm quyền quyết định, chúng tôi hoàn toàn đồng ý là thuộc Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất. Tuy nhiên, số lượng hơn 9.000 dự án trong 5 năm là rất lớn, Quốc hội phê duyệt tất cả liệu có khả thi?", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ băn khoăn.

"Bởi khi có điều chỉnh cũng phải báo cáo lên Quốc hội, khối lượng công việc là khổng lồ. Mỗi dự án điều chỉnh 3-5 lần thì không hình dung được Quốc hội sẽ nặng thế nào, nên giao việc đó cho Chính phủ làm và chịu trách nhiệm. Mỗi năm chỉ có 2 kỳ Quốc hội mà cứ sa đà thì khó có tính khả thi".

Ngọc An