|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất dự án có vốn đầu tư trên 5.000 tỉ không cần trình Thủ tướng chấp thuận

18:51 | 19/02/2019
Chia sẻ
Trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, đang có ý kiến đề nghị phân cấp toàn bộ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho các Bộ và UBND cấp tỉnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu đang tư dự kiến trình Chính phủ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Ngày mai 19/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến về dự thảo này.

Những đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư

Về phía Luật Đầu tư, dự thảo Luật lần này đề xuất một số thay đổi như:

Sửa đổi các Điều 24, 25 và 26 theo hướng: Bổ sung quy định để yêu cầu chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực quan trọng hoặc tại địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;

Bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp; Làm rõ quy trình, thủ tục, điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 31 theo hướng:

Áp dụng thống nhất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư đối với các dự án xây dựng nhà ở và đô thị để tránh trùng lặp về thẩm quyền, thủ tục quyết định/chấp thuận đầu tư dự án nhà ở, đô thị theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật nhà ở, đô thị.

Loại bỏ một số dự án đầu tư thuộc diện phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư, bao gồm dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỉ đồng trở lên, các dự án mà điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được quy định cụ thể tại điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan như dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài;

Bổ sung quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên...

Bên cạnh đó, các Điều 34 và 35 được đề xuất điều chỉnh theo hướng quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan trực tiếp tiếp nhận, tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội để đơn giản hóa thủ tục, xóa bỏ sự trùng lặp về quy trình thẩm định chủ trương đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan đăng ký đầu tư.

de xuat du an co von dau tu tren 5000 ti khong can trinh thu tuong chap thuan

Những vấn đề cần xin ý kiến chính phủ

Về việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Điều 31 Luật Đầu tư).

Hiện nay có hai luồng ý kiến về vấn đề này:

Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị không phân cấp cho Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với tất cả các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư vì các dự án này đều là dự án quan trọng, nhạy cảm, có tính chất liên ngành, liên vùng cần có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cần thiết thì chỉ thực hiện cơ chế phân cấp đối với các dự án phù hợp với quy hoạch.

Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị phân cấp toàn bộ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư cho các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành và không xem xét, quyết định các dự án đầu tư cụ thể.

Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, hiện cũng có hai luồng ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất: Việc bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp với điều kiện quản lý của Việt Nam, gây khó khăn trong cân đối vĩ mô và kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Mặt khác, việc áp dụng chế độ đăng ký chuyển tiền ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối cần được cân nhắc bởi cơ quan này không có thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư, trong đó có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, dự án đầu tư ra nước ngoài với quy mô lớn (200 triệu USD trở lên) phải được Quốc vụ Viện (Chính phủ) chấp thuận; các dự án khác, tùy thuộc mục tiêu, quy mô, tính chất có thể được phân cấp cho Ủy ban cải cách và phát triển Quốc gia và Bộ Thương mại, Sở Thương mại. Ngoài ra, Ủy ba Giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung ương và cấp tỉnh được quyết định các dự án của DNNN thuộc quyền quản lý của mình. Cục Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc theo dõi và quản lý các giao dịch liên quan đến đầu tư ra nước ngoài (tương tự như chức năng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay).

Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối.

Việc bỏ loại Giấy này không phải là giải pháp nhằm tự do hóa dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đồng thời cũng không đồng nghĩa với việc từ bỏ hay nới lỏng quản lý nhà nước đối với hoạt động này mà chỉ nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ chế độ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sang chế độ quản lý, sử dụng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý chuyên ngành.

Xem thêm

Y Vân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.