Đề xuất đầu tư gần 33.000 tỉ xây cảng Liên Chiểu
Cảng Tiên Sa đối mặt tình trạng quá tải, và không có khả năng đáp ứng kho bãi - theo đơn vị tư vấn (Ảnh: Danang.gov.vn) |
Theo đề xuất của TediPort, cảng Liên Chiểu cần được đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2022, với tổng mức đầu tư 32.861 tỉ đồng.
Cụ thể, dự án sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn khởi động 2022 có mức đầu tư 7.378 tỉ đồng, xây 1 bến hàng tổng hợp và 1 bến container với năng lực thông qua 1,85 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Giai đoạn 2030 có mức đầu tư 7.857 tỉ đồng, xây thêm 1 bến hàng tổng hợp và 2 bến container, nâng tổng lượng hàng thông qua cảng lên 17,53 triệu tấn/năm.
Giai đoạn 3 của dự án dự kiến vào năm 2050, với mức đầu tư 17.626 tỉ đồng, xây thêm 2 bến hàng tổng hợp và 5 bến container, nâng tổng công suất thông qua hơn 46 triệu tấn/năm.
Theo báo cáo của TediPort, dự án này bao gồm 2 hợp phần: (1) tổ hợp các công trình chung (đê chắn sóng, luồng tàu, kết nối hạ tầng kỹ thuật, giao thông…) với tổng mức đầu tư 10.209 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay ODA và ngân sách; và (2) tổ hợp các công trình phục vụ khai thác bến (bến cập tàu, kè gầm bến, đường bãi trong cảng, kho, nhà xưởng và mạng kỹ thuật, thiết bị khai thác trên bến…), với tổng đầu tư 22.652 tỉ đồng bằng nguồn vốn tự có, vay ngân hàng, vay trái phiếu hoặc ODA.
Theo PediPort, hiện cảng Tiên Sa (cảng lớn nhất Đà Nẵng) đã vượt công suất thiết kế, lưu thông 6 triệu tấn hàng trong năm 2014 và 6,4 triệu tấn năm 2015. Kho bãi phục vụ lưu trữ cũng quá tải.
Mặc dù đang có dự án nâng công suất cảng Tiên Sa lên 12 triệu tấn/năm, nhưng theo đánh giá của đơn vị tư vấn này, điều kiện kho bãi hạn chế khiến khả năng điều tiết hàng đến và đi tại cảng này gặp khó khăn.
Các nút giao thông lớn nối với cảng Tiên Sa cũng thường xuyên bị ùn tắc khi có nhiều xe container lưu thông. Dù nâng cấp nút giao thông này, khả năng lưu thông cũng chỉ đạt mức 10 triệu tấn/năm đến năm 2030.
Huyền Trang