|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đề xuất cô lập 'khu nhà giàu' Thảo Điền để chống ngập

10:26 | 02/10/2019
Chia sẻ
Nổi tiếng với tên gọi khu nhà giàu, phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) giờ được biết đến với biệt danh "rốn ngập" sau mỗi đợt triều cường.

Triều cường đạt đỉnh, khu trung tâm TP.HCM ngập sâu Chiều 30/9, triều cường lên đỉnh 1,7 m khiến một số đường trung tâm TP.HCM như Nguyễn Thái Bình, Calmette... ngập sâu, hàng loạt xe chết máy. Người dân kinh doanh ế ẩm.

Ngày 30/9, đỉnh triều cường tại TP.HCM tiếp tục lập kỷ lục mới trong vòng 10 năm với mức 1,74 m. Theo ghi nhận của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, toàn TP có 13 điểm ngập. Trong đó, vị trí ngập sâu nhất là đường Nguyễn Văn Hưởng thuộc phường Thảo Điền, quận 2.

Các chuyên gia nhận định nền đất lún và giải pháp chống ngập chưa hiệu quả là nguyên nhân khiến "khu nhà giàu" Thảo Điền thường xuyên trở thành điểm ngập sâu nhất TP.HCM.

Nền đất lún, đường ngập khi triều cường dâng cao

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nói nước dâng do biến đổi khí hậu trong khi nền đất lún dần khiến đường phố TP.HCM ngập sâu.

Riêng khu vực Thảo Điền, TS Cương đánh giá đây là khu vực trũng, nền đất yếu. Mật độ xây dựng cao khiến tốc độ lún nền ngày càng nhanh vì phải gánh tải trọng lớn.

Đề xuất cô lập 'khu nhà giàu' Thảo Điền để chống ngập - Ảnh 1.

Người dân bất lực ngồi trong xe chờ nước rút để gọi cứu hộ.trong đỉnh triều ngày 30/9. Ảnh: Lê Quân.

Tình trạng loạn cao độ san nền cũng khiến công tác chống ngập càng khó khăn. Theo ông Cương, quá trình xây dựng, mỗi công trình sẽ thiết kế dựa theo cột mốc cao độ mua của Nhà nước. Thế nhưng, các cột mốc này đang bị lún theo thời gian dẫn đến thực trạng tính cao độ san nền "mỗi nơi một phách", ảnh hưởng tiêu cực đến công tác chống ngập của TP.

Theo nguyên lý thiết kế, mặt đường phải cao hơn mặt nước cao nhất tối thiểu là 0,5 m để đảm bảo an toàn cho con đường. Việc xác định chưa chính xác cao độ chuẩn khiến nhiều tuyến đường, công trình liên tục bị ngập, dẫn đến hư hỏng nhanh, tuổi thọ thấp.

"Vòng luẩn quẩn là việc ngập nước liên tục khiến nền đất ngày càng yếu đi, độ lún tăng thêm", tiến sĩ Cương nói.

Nói về cách "giải ngập" cho khu Thảo Điền, ông cho rằng quy hoạch chống ngập cho bờ đông chủ yếu là nâng nền nhưng theo chiều hướng biến đổi khí hậu hiện nay "sợ là không kịp". Ông Cương đề xuất TP cô lập những khu vực như Thảo Điền để làm đê bao chống ngập cho "rốn nước" này.

Phải có đê bao và trạm bơm công suất lớn

Dự báo trước khả năng ngập do triều ở khu Thảo Điền, ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, cho biết ngoài trạm bơm 1000 m3, công ty đã trang bị thêm 2 máy bơm 250 m3 nhằm "giải ngập" cho khu vực này. Thế nhưng, thực tế cho thấy, nỗ lực này là chưa đủ.

Nói về giải pháp giảm ngập bằng máy bơm, TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, thẳng thắn: "Mấy trạm bơm bé tý ăn thua gì, giống như bị thương lấy tạm miếng băng dán lại chứ không có ý nghĩa. Trạm bơm để giảm ngập cho Thảo Điền phải công suất hàng chục m3/giây".

Đồng ý với giải pháp TS Cương đề xuất, ông Phi nói thêm rằng những khu vực nằm thấp hơn mực nước triều như quận 2 thì phải có đê bao kết hợp cùng với trạm bơm hoặc hồ điều tiết mới có thể "giải ngập".

Đề xuất cô lập 'khu nhà giàu' Thảo Điền để chống ngập - Ảnh 2.

Dự báo phạm vi ngập thường xuyên của TP.HCM đến năm 2050 trong tình huống không có các biện pháp kiểm soát ngập. Nguồn: ADB.

Tuy nhiên, TS Phi cho rằng giải pháp kỹ thuật là chuyện nhỏ, còn giải pháp căn cơ nhất là cơ chế chống ngập hiện tại chưa khuyến khích tư nhân tham gia làm công trình chống ngập. Dẫn tới các dự án này liên tục thiếu vốn, chậm tiến độ.

"Công trình ngập hiện tại hoàn toàn là bao cấp, trong khi đó đô thị hóa thì tư nhân đầu tư ồ ạt. Giá thành trên đất thực chất là giá thành giả vì chưa tính chi phí thoát nước, chống ngập... Thành ra đô thị hóa mạnh nhưng tiền thì tư nhân bỏ túi còn ai muốn gây ngập cứ gây, đã có Nhà nước gánh", ông Phi bức xúc.

Chuyên gia chống ngập này dự báo trong tương lai, biến đổi khí hậu khiến triều cường càng lúc càng tăng khiến diện tích ngập ngày càng cao hơn. Ông cũng khuyến nghị TP nên ưu tiên hệ thống chống ngập do mưa bởi đây là nguyên nhân gây ngập cao, trên diện rộng. Còn hệ thống chống ngập do triều có thể thực hiện nhanh trên từng vùng cụ thể bởi chi phí thấp và dễ làm.

Năm 2050, đất cao dưới 1 m ở TP.HCM có nguy cơ ngập vĩnh viễn

Theo Nghiên cứu TP.HCM thích nghi với biến đổi khí hậu (2010) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), dự báo đến năm 2050, trong tình huống ngập thường xuyên (ảnh hưởng của thủy triều và mưa gió mùa): Chỉ những diện tích cao hơn 3 m sẽ không bị ngập; đất ở mức 1-3 m bị ngập khi biên độ dao động thủy triều lớn; đất cao dưới 1 m có nguy cơ bị ngập vĩnh viễn.

Trong những sự kiện ngập cực đoan (ngập xảy ra trong bão nhiệt đới), chỉ có những diện tích cao hơn 4,5 m không bị ngập.

Với mực nước biển dâng khoảng 26 cm đến 1 m vào năm 2050, diện tích địa lý của vùng ngập dự báo ở TP.HCM sẽ tăng 3% với ngập cực đoan và 7% với ngập thường xuyên so với tình trạng ngập năm 2010. Độ sâu ngập tối đa trung bình được dự báo sẽ tăng gần 40% với ngập cực đoan và 21% với ngập thường xuyên. Thời gian ngập cực đoan tăng 12% và ngập thường xuyên tăng 22%.

CSGT TP.HCM lội nước đẩy xe giúp người dân giữa triều cường kỷ lục Chiều 30/9, các tuyến đường ven sông rạch tại TP.HCM bị triều cường kỷ lục bủa vây. CSGT đã có mặt từ rất sớm để hỗ trợ người dân khu vực bị ngập.

Thu Hằng