Để tiêu Tiên Phước là sản phẩm chủ lực của chương trình mỗi xã một sản phẩm
[Infographic] Bản đồ hàng xuất khẩu chủ lực của các nước trên thế giới |
Người dân chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN |
Nhằm cụ thể hóa Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP), huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã chọn sản phẩm tiêu Tiên Phước.
Đây là một trong 3 sản phẩm tiêu biểu để đăng ký công bố chất lượng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ theo hướng gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Ông Phùng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, trước khi thực hiện chương trình OCOP, huyện Tiên Phước đã đầu tư hỗ trợ phát triển cây tiêu và nhận được sự tham gia tích cực của người dân trong huyện.
Sau 5 năm khôi phục và trồng mới, huyện Tiên Phước đã trồng mới và phục hồi được hơn 100 ha tiêu, nâng tổng diện tích tiêu toàn huyện lên hơn 145 ha; trong đó, khoảng trên 55 ha đang cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 44 tấn tiêu khô. Tính theo thời giá hiện tại từ 650.000 đồng - 700.000 đồng/kg, mỗi năm cây tiêu Tiên Phước mang lại nguồn thu từ 28 tỷ đến trên 30 tỷ đồng. Hiện tại cây tiêu đang được huyện Tiên Phước đầu tư phát triển theo mô hình liên kết chuỗi, liên kết vùng để vừa đảm bảo có đầu ra cho sản phẩm ổn định.
Đồng thời, tăng chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa vừa quản lý được chất lượng. Từ đó, làm tiền đề cho cuộc “cách mạng” mỗi xã một sản phẩm có giá trị cao giai đoạn 2018-2020. Là một trong những cơ sở được UBND huyện Tiên Phước chọn để tham gia quy trình quản lý chất lượng từ khâu chọn giống đến quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và cung cấp sản phẩm tiêu Tiên Phước cho thị trường, anh Hồ Viết Hội, Cơ sở sản xuất Tiêu Sơn Tiến, xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước cho hay, trong quá trình sản xuất, cơ sở kiểm tra kỹ sản phẩm đầu vào.
Cơ sở chỉ thu mua tiêu trên địa bàn huyện Tiên Phước, tuyệt đối không trộn lẫn giữa tiêu Tiên Phước với tiêu khác, vì như vậy sẽ làm mất thương hiệu tiêu đặc sản. Hiện tại, diện tích và sản lượng tiêu Tiên Phước đang tăng nhanh nhưng cơ sở cam kết góp phần bao tiêu hết sản phẩm của nông dân trong huyện. Tiêu Tiên Phước có hương vị rất riêng, tỉ lệ tạp chất và hạt lép rất thấp nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ đó, giá tiêu Tiên Phước luôn rất cao và ổn định, dao động từ 650.000 đồng đến 700.000 đồng/kg, cao gấp từ 5 - 7 lần so với tiêu khác. Để tiêu Tiên Phước trở thành sản phẩm chủ lực của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và tiên phong trong việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm, huyện Tiên Phước thường xuyên vận động người dân tuân thủ chặt chẽ quy trình từ khâu lựa chọn tiêu giống đến quá trình trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm đều không được pha trộn với các loại tiêu khác làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Huyện có nhiều cơ chế để hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ về kỹ thuật lẫn kinh phí để mua sắm các dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo ông Phùng Văn Huy, qua khảo sát, đánh giá, toàn huyện có 32 sản phẩm, thuộc 4 nhóm gồm: nhóm thực phẩm có 14 sản phẩm, nhóm đồ uống có 4 sản phẩm, nhóm thảo dược có 5 sản phẩm, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 9 sản phẩm. Trước mắt, có 3 sản phẩm được đăng ký công bố chất lượng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ gồm tiêu Tiên Phước, trầm hương Tiên Phước, lòn bon Tiên Phước. Đây cũng chính là 3 sản phẩm đầu tiên của huyện Tiên Phước tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020. Cây tiêu được sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi, liên kết vùng để vừa đảm bảo có đầu ra sản phẩm ổn định, tăng chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa quản lý được chất lượng sản phẩm. “Để làm được điều này, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho Hợp tác xã Nhật Linh và Công ty sản xuất Tiêu Sơn Tiến đầu tư dây chuyền công nghệ, bao bì, nhãn mác, đóng gói nhằm kiểm soát được chất lượng tiêu Tiên Phước, chúng tôi còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm hạt tiêu cũng như giám sát quá trình trồng, chăm sóc cây tiêu của người dân trong huyện”, ông Huy cho biết. Là cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng, việc liên kết, liên doanh và hỗ trợ nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ các loại sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm nói chung và tiêu Tiên Phước vẫn còn ít nhiều hạn chế.
Sản phẩm chưa được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng, chủ yếu còn ở dạng thô, chưa có mẫu mã bao bì sản phẩm đẹp, trình độ công nghệ chủ yếu là thủ công.
Quy mô, năng lực đầu tư của các chủ thể sản xuất gồm công lao động, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu...đều ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giữa các tổ chức, hợp tác xã, doanh nghiệp với người dân để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông nghiệp chưa thật sự hiệu quả.
Đây chính là những hạn chế đang được huyện Tiên Phước tập trung khắc phục trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm trong giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, ông Phùng Văn Huy nhấn mạnh.