|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề nghị tăng vốn dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP HCM

20:15 | 25/05/2024
Chia sẻ
Dự án chống ngập do triều ở TP HCM tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng trễ hẹn 6 năm, phát sinh lãi gần 2 tỷ đồng mỗi ngày nên nhà đầu tư đề nghị thành phố điều chỉnh vốn.

Đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư giai đoạn 1 Dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến biển đổi khí hậu (dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) vừa được Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam gửi Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên.

Khởi công giữa năm 2016, dự án chống ngập 10.000 tỷ mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM. Hiện, công trình đã hoàn thành hơn 90% nhưng bị vướng thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư nên đã chậm trễ 6 năm so với kế hoạch.

Theo nhà đầu tư, việc tạm dừng và kéo dài dự án do các vướng mắc tự doanh nghiệp không thể giải quyết được và cũng không thuộc trách nhiệm của đơn vị. Tuy nhiên, điều này làm phát sinh lãi vay mỗi ngày gần hai tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp này đề nghị phần lãi phát sinh này phải được ghi nhận vào dự án bằng cách điều chỉnh tổng mức đầu tư, tương tự cách TP HCM thực hiện với dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Cống ngăn triều Cây Khô (huyện Bình Chánh) thuộc dự án chống ngập do triều, tháng 4/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Trong công văn, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam cũng cho rằng điều chỉnh vốn là điều kiện tiên quyết để ký phụ lục hợp đồng hoàn thành toàn bộ công trình. Doanh nghiệp đã nhiều lần gửi văn bản đến UBND TP HCM về việc này nhưng hai năm qua chưa nhận được chỉ đạo để triển khai.

"Việc này càng kéo dài việc điều chỉnh tổng mức đầu tư sẽ càng gây lãng phí ngân sách và doanh nghiệp cũng không thể biết mức độ chi phí của dự án", công văn của nhà đầu tư nêu.

Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hồi tháng 4 năm ngoái, khi TP HCM làm việc với Thủ tướng, tổng mức đầu tư của dự án chống ngập do triều đã vào khoảng 13.693 tỷ đồng, bao gồm phát sinh lãi trong thời gian xây dựng và lãi chậm thanh toán. TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố tự cân đối quỹ đất, nguồn vốn ngân sách để thanh toán Hợp đồng BT (không cố định tỷ lệ thanh toán 16% bằng đất và 84% tiền mặt như trước đây), đối với phần lãi vay phát sinh sẽ thương thảo, đàm phán với nhà đầu tư và được thanh toán bằng quỹ đất.

Đầu tháng 5, Ngân hàng BIDV, đơn vị giữ vai trò trung gian tiếp nhận nguồn vốn, tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước để tài trợ Công ty Trung Nam thực hiện dự án, thông báo khoản vay 7.095 tỷ đồng của nhà đầu tư tại nhà băng này đã quá hạn trả nợ gốc 6.008 tỷ đồng và 1.715 tỷ đồng nợ lãi. BIDV đã phải thu xếp nguồn vốn thương mại để trả nợ vay tái cấp vốn 4.091 tỷ đồng cho Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 15/5, khoản vay tiếp tục đến hạn trả nợ gốc thêm 569,2 tỷ đồng và BIDV sẽ phải tiếp tục huy động nguồn vốn thương mại để trả nợ vay tái cấp vốn cho Ngân hàng nhà nước 521,9 tỷ đồng. Ngân hàng này đề nghị doanh nghiệp làm việc với TP HCM để tái khởi động dự án, huy động vốn trả nợ.

Hiện, vướng mắc chính của dự án liên quan phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Dù chưa có quy định cụ thể tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất và tiền, nhưng việc UBND TP HCM ký hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với nhà đầu tư với tỷ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% tổng chi phí dự án, còn lại bằng tiền được cho là chưa hoàn toàn phù hợp.

Ngoài ra, Nghị định 15 quy định phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền về đầu tư công để quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước trước khi phê duyệt dự án PPP. Tuy nhiên, thời điểm đó, UBND thành phố có báo cáo và được HĐND TP HCM chấp thuận nhưng chưa được Thủ tướng đồng ý.

Chính phủ đã thành lập tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng nhằm tìm cách gỡ vướng để dự án sớm về đích. Tổ công tác đã đưa ra ba cách gỡ vướng dự án chống ngập, trong đó ủy thác ngân sách để nhà đầu tư vay và thi công hoàn thành công trình được cho khả thi nhất.

Lê Tuyết - Gia Minh