Đề nghị tạm ngừng cấp giấy phép cho lao động từ vùng dịch Hàn Quốc
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM do Thường trực Thành ủy TP.HCM chủ trì, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn đã báo cáo nhanh về lao động nước ngoài ở Việt Nam (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và khảo sát các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên quan đến dịch Covid-19.
Người đứng đầu Sở LĐTBXH kiến nghị tạm thời dừng cấp giấy phép lao động cho người đến từ vùng dịch của Hàn Quốc, tức tỉnh Daegu và Bắc Gyeongsang.
Còn người lao động Hàn Quốc từ các tỉnh khác vẫn được cấp giấy phép lao động và về Việt Nam làm việc bình thường với điều kiện kiểm tra dịch tễ trước khi nhập cảnh.
Về số lượng lao động được cấp giấy phép đến ngày 24/2 tại TP.HCM, có hơn 4.600 lao động Hàn Quốc; gần 2.400 người Trung Quốc; gần 1.800 lao động Đài Loan (Trung Quốc); hơn 3.600 người Nhật Bản; và hơn 16.000 người nước ngoài khác được cấp phép.
Sở LĐTBXH cũng thông tin về số lao động các nước có dịch đến TP.HCM từ tháng 12/2019 đến tháng 1,2/2020 - thời điểm bùng phát dịch Covid-19.
Cụ thể, trong 3 tháng, thành phố đã tiếp nhận 685 lao động Hàn Quốc; 310 lao động Trung Quốc; 279 lao động Đài Loan (Trung Quốc) và 458 người Nhật Bản.
Trong đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản vẫn có nhu cầu sử dụng từ 200-800 người từ nay đến hết tháng 5. Ngoài ra, TP.HCM cũng có hơn 40.400 người đang làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
Ngoài ra, theo khảo sát của sở, 43,3% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại thành phố (trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp...) tham gia khảo sát đề xuất đi học lại từ ngày 2/3. 29,2% cơ sở đề xuất đi học lại từ 16/3 và 27,5% đơn vị muốn đi học lại từ 1/4.
"Chương trình đào tạo và tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp được tổ chức thường xuyên trong cả năm nên việc sinh viên, học sinh nghỉ hết tháng 3 không ảnh hưởng đến việc dạy và học", báo cáo này chỉ ra.
Hiện, TP.HCM có hơn 135.000 sinh viên, học sinh, học viên cùng hơn 11.000 giáo viên, người lao động đang học tập và làm việc tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.