|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ĐBSCL 'loạn' lúa giống, mua bán giống trôi nổi khó kiểm soát

15:20 | 25/07/2017
Chia sẻ
Với diện tích đất lúa hơn 1,6 triệu ha, sản xuất 3 vụ/năm nên nhu cầu lúa giống ở ĐBSCL là rất lớn. Theo thống kê, lượng lúa giống do các doanh nghiệp, đơn vị làm ra chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, còn lại nông dân tự để giống, trao đổi, mua bán trôi nổi rất khó kiểm soát.
dbscl loan lua giong mua ban giong troi noi kho kiem soat
Hiện chỉ có khoảng 50 - 60% lượng lúa giống ở ĐBSCL được kiểm định chất lượng trước khi xuất bán

Kiên Giang là tỉnh có diện tích SX lúa lớn nhất ở ĐBSCL với trên 300.000ha/vụ, sản lượng lúa hàng hóa làm ra hàng năm từ 4,2 - 4,5 triệu tấn. Do tập quán sạ dày, với lượng lúa giống từ 150 - 200kg/ha nên nhu cầu giống lên đến hàng chục ngàn tấn mỗi vụ. Theo thống kê, hiện mới chỉ có 40 - 50% diện tích được nông dân gieo sạ bằng lúa giống cấp đạt chuẩn (cấp xác nhận) do trung tâm giống và các đơn vị SX, kinh doanh giống cung cấp. Còn lại là nguồn giống do dân tự làm hoặc trao đổi, mua bán từ nguồn trôi nổi trên thị trường, không được kiểm soát, chất lượng không đảm bảo.

Để giải quyết nhu cầu lúa giống cho gieo sạ, những năm qua, Sở NN-PTNT Kiên Giang đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ nông dân xây dựng quy trình SX giống tại nông hộ. Lúa giống nông dân tự làm ra gọi là giống cấp xác nhận 1, xác nhận 2, chỉ được sử dụng, trao đổi nội bộ, không được phép buôn bán thương mại.

Nắm bắt nhu cầu thị trường lúa giống còn rất lớn nên các đơn vị kinh doanh mọc ra ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều nông dân tay ngang cũng tham gia kinh doanh lúa giống. Vì vậy, dẫn đến tình trạng loạn thị trường lúa giống, do làm ăn gian dối, trục lợi. Không ít đơn vị, chỉ có trong tay vài ha đất làm lúa giống nhưng mỗi vụ lại bán ra hàng chục, hàng trăm tấn.

Ông Ngô Đình Thức, Phó GĐ Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, do nhu cầu thị trường lớn nên không loại trừ có những đơn vị làm ăn gian dối, kiểu làm ít bán nhiều, thu gom nguồn giống trôi nổi trên thị trường hoặc mua lúa thịt của dân rồi đóng bao, không nguồn gốc, không qua kiểm định, bán giá cao kiếm lời. Vì họ đã có trong tay giấy chứng nhận đủ điều kiện SX lúa giống. Mỗi khi cơ quan chức năng kiểm tra, họ lại chìa ra là xong.

Ông Tạ Xuân Thành, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang (đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý sản xuất, kinh doanh lúa giống) cho biết, Kiên Giang là tỉnh SX lúa lớn nhất khu vực nhưng công tác SX giống lại không bằng các tỉnh khác. Hiện toàn tỉnh chỉ có 2 đơn vị SX kinh doanh giống có đăng ký chính thức. Ngoài ra, còn có một số đơn vị đăng ký làm trình diễn, khảo nghiệm mô hình SX lúa giống theo mùa vụ...

dbscl loan lua giong mua ban giong troi noi kho kiem soat
Giống lúa kém chất lượng vẫn bán trôi nổi trên thị trường

Theo ông Thành, hiện công tác quản lý SX, kinh doanh giống còn nhiều bất cập. Như đơn vị không phải đăng ký năng lực SX, nên không thể quản lý số lượng họ cung ứng ra thị trường hàng năm là bao nhiêu. Còn đối với đơn vị kinh doanh (làm đại lý), trước đây yêu cầu phải có chứng chỉ đủ điều kiện nhưng hiện nay đã bỏ quy định này, chỉ cần giấy phép đăng ký kinh doanh là có thể nhập lúa giống về bán.

“Do nhu cầu lớn nên ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa tình trạng mua bán lúa giống trôi nổi vẫn diễn ra. Nông dân ngại đi xa hoặc vì ham rẻ nên chấp nhận mua hàng trôi nổi không có thương hiệu. Thậm chí có trường hợp Cty đứng ra liên kết với nông dân SX cánh đồng lớn, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đàng hoàng nhưng khi cung cấp lúa giống trên bao bì chỉ có tên loại lúa, không có đơn vị SX”, ông Thành cho biết.

Theo số liệu thống kê, hiện chỉ có khoảng 50 - 60% lượng lúa giống ở ĐBSCL được kiểm định chất lượng trước khi bán ra thị trường. Đây là nguồn giống do các cơ quan chính thống SX, được quản lý. Còn lại là giống trôi nổi do tổ chức, cá nhân nông hộ tự SX trao đổi với nhau, không được kiểm nghiệm cả trên ruộng cũng như sau thu hoạch.

Ông Trần Thanh Hiệp, Q. Chánh Thanh tra (Sở NN-PTNT An Giang) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở đã xử phạt nhiều vụ quy phạm bản quyền về lúa giống, tức là những cá thể và cơ sở kinh doanh giống tự chọn tạo SX giống rồi tự buôn bán ra thị trường với số lượng lớn làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp SX có thương hiệu. Đa phần giống kém chất lượng xuất hiện trên thị trường đều không rõ xuất xứ nguồn gốc, không địa chỉ… thậm chí có cả lúa thịt đóng bao giống xác nhận để bán giá cao.

dbscl loan lua giong mua ban giong troi noi kho kiem soat
Kiểm định lúa giống trước khi xuất bán

Cũng theo ông Hiệp, việc thanh, kiểm tra giống kém chất lượng luôn gặp khó khăn, một phần do lực lượng mỏng, công tác phối hợp giữa doanh nghiệp với cơ quan thẩm quyền về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giống lúa chưa được thường xuyên, kịp thời và chưa ngăn chặn được các trường hợp vi phạm. Pháp lệnh giống cây trồng chưa quy định cụ thể trách nhiệm cụ thể các bộ, ngành, chính quyền địa phương...

+ Thời gian gần đây tại Cần Thơ, lúa giống OM5451 cấp xác nhận bỗng “sốt hàng”, trước đây giá dao động từ 10.000 - 11.000 đồng/kg nay đã tăng lên 13.000 - 13.500 đồng/kg, thậm chí có nơi còn cao hơn. Bởi giống lúa này cho năng suất cao, giá bán cũng cao hơn từ 300 - 500 đồng/kg so các giống lúa thông thường. Vì vậy nhiều cá thể đã tự SX lúa giống OM5451 bán ra thị trường, vi phạm bản quyền giống của đơn vị khác.

+ Tại Đồng Tháp, bình quân mỗi năm cần 70.000 tấn giống/3 vụ, riêng vụ ĐX cần hơn 20.000 tấn giống để gieo sạ. Trong khi đó các DN trong tỉnh chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trên 50% nhu cầu giống xác nhận cho cánh đồng lớn được kiểm soát. Số lượng giống còn lại nông dân tự làm hoặc mua nguồn giống trôi nổi kém chất lượng nên khó kiểm soát chất lượng đầu vào.

Đào Chánh - Hoàng Vũ

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.