ĐBQH Vũ Tiến Lộc: 'Mục tiêu của đấu thầu đất không phải là thu nhiều tiền mà cần có giá hợp lý nhất'
Cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, đấu thầu nhất là đấu thầu trong lĩnh vực đất đai không đặt mục tiêu cao nhất là thu được nhiều tiền mà cần có mức giá hợp lý nhất.
Bởi kiềm chế giá đất ở mức phù hợp để người dân có nhà và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế mới là mục tiêu cao nhất, đại biểu Lộc nhấn mạnh.
Để hiệu quả đấu thầu thực chất, tránh lãng phí, hình thức, có ý kiến đại biểu đề nghị cần có cơ quan quản lý nhà nước về giá để có sự so sánh, đối chiếu khi tiến hành đấu thầu; đồng thời tăng cường đấu thầu qua mạng để công khai, minh bạch, giảm tiếp xúc.
Bên cạnh đó, việc xây dựng giá thầu rất quan trọng, đại biểu cho rằng đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ phổ biến được tiến hành đấu thầu lặp lại ở các cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành phố đều phải tiến hành đấu thầu theo một quy trình giống nhau, làm mất thời gian và lãng phí nguồn lực. Đại biểu đề nghị xây dựng giá tham chiếu để giảm thủ tục xây dựng hồ sơ mời thầu, thẩm định giá...
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Quốc hội có nghiên cứu sự hợp nhất giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với dự thảo Luật này để không bỏ sót các trường hợp trong thực tiễn phát sinh, tránh khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện.
Đồng thời đề nghị cần nghiên cứu rà soát lại các trường hợp có đất công mà địa phương thấy đủ điều kiện để đưa ra đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Dự thảo Luật Đấu thầu và dự thảo Luật Đất đai chưa quy định cụ thể việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhiều mục đích trên khu đất công như: Mục đích kinh doanh, mục đích công cộng, ví dụ như bố trí một phần dự án để làm bến xe bus.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, hiện nay không có cơ sở để xác định thực hiện lựa chọn nhà đầu tư hay đánh giá, do đó đề nghị cần có nghiên cứu quy định về trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại Luật Đất đai và thủ tục đấu thầu được quy định tại Luật Đấu thầu để triển khai các nội dung trên.
Về một số nội dung của dự thảo liên quan đến Luật Đầu tư, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất giữa hai luật và cần lấy ý kiến thêm của các tỉnh để không bỏ sót các trường hợp và không gây mâu thuẫn khi đã ban hành.
Dự thảo Luật lần này bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu. Mặc dù việc mở rộng chỉ định thầu có thể góp phần rút ngắn thời gian đấu thầu, nhưng về lâu dài không tạo ra tính cạnh tranh công bằng, minh bạch của thị trường. Do đó, đại biểu đề nghị quy định chỉ định thầu trong các trường hợp khẩn cấp, cấp bách.
Đại biểu Khuất Việt Dũng, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thì nêu thực tế thời gian qua có có nhiều vụ việc liên quan đến đấu thầu gây thất thoát lớn nhưng trong đó có nhiều vụ việc thực hiện đúng quy trình của luật; bên cạnh đó, nhiều quy định gây khó khăn, chán nản cho nhà đầu tư, vì vậy việc sửa đổi 75 điều, bổ sung 21 điều mới là cần thiết.
Nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ trình 10 trường hợp chỉ định thầu, mở rộng hơn so với luật hiện hành là chưa phù hợp, đại biểu đồng tình với 4 trường hợp được chỉ định thầu như nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.