|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH quan ngại sức khỏe các tập đoàn kinh tế lớn khi một số 'đại bàng' gãy cánh

15:01 | 25/05/2022
Chia sẻ
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, Chính phủ cần có một cuộc tổng rà soát lại sức khỏe của các tập đoàn lớn để thấy "bức tranh thật", "sức khỏe thật hay ảo", qua đó có những chính sách phù hợp.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội diễn ra sáng 25/5, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đã đặt câu hỏi về sức khỏe thực sự của các tập đoàn kinh tế lớn hiện nay và đề nghị Chính phủ đánh giá một cách cụ thể, theo Zing.

"Các con đại bàng lớn mà chúng ta mong sẽ dẫn dắt nền kinh tế như FLC hay Tân Hoàng Minh lại đang rụng lông, gãy cánh. Vậy sức khỏe thực sự của các tập đoàn kinh tế lớn hiện nay là gì?", đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu câu hỏi.

Ông Thắng đề xuất Chính phủ cần có một cuộc tổng rà soát lại sức khỏe của các tập đoàn lớn để thấy "bức tranh thật", "sức khỏe thật hay ảo", qua đó có những chính sách phù hợp.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Ngoài ra, cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) bày tỏ lo lắng về tình trạng tội phạm kinh tế - xã hội, đặc biệt là liên quan chứng khoán. Ông cho rằng vấn đề phòng tránh không được nhiều cơ quan quan tâm. Hành vi thao túng chứng khoán đã diễn ra nhiều lần mà không bị các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

"Như vụ Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu từ rất lâu rồi. Các cơ quan chức năng giám sát ban đầu có phát hiện ra không, để lại hậu quả rất lớn", ông nói và cho rằng Chính phủ cần có biện pháp chỉ đạo để tránh ảnh hưởng kinh tế - xã hội đất nước.

Trong khi đó, góp ý kiến tại tổ TP HCM cũng diễn ra sáng 25/5, theo Người lao động, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra ý kiến về tình hình thị trường chứng khoán.

Cụ thể, Chủ tịch nước cho rằng vừa qua có nhiều yếu tố tác động khiến thị trường chứng khoán đã sụt giảm mạnh. Chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng, nhưng gần đây xuống rất nguy cơ, giảm giá trị 500 - 600 tỷ USD trong thời gian ngắn, trong khi FDI vào mạnh nhưng cũng chỉ đem vào sản xuất trên 10 tỷ USD.

"Nói điều này để thấy rằng cần có những biện pháp tốt hơn, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này để dòng vốn đến với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và quyết định đến tăng trưởng.

Đối với doanh nghiệp hiện có hai kênh quan trọng, một là tín dụng, hai là trái phiếu. Trái phiếu bản chất không phải xấu, chỉ có điều chúng ta điều phối, kiểm soát thế nào cho nó tốt, bởi những thị trường vốn này rất quan trọng đối với doanh nghiệp", Chủ tịch nước nói.

Phương Trang