|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH kiến nghị Chính phủ cần có lộ trình trả nợ cụ thể, không để nợ đọng xây dựng cơ bản

11:59 | 30/10/2023
Chia sẻ
Theo đại biểu, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát xây dựng kế hoạch lộ trình trả nợ cụ thể nếu không sẽ gây ra các hệ luỵ cho kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia sáng 30/10, Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Bình cho rằng cần xây dựng kế hoạch lộ trình cụ thể không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Huy qua báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy còn nhiều hạn chế vướng mắc bất cập cần phải tháo gỡ để thúc đẩy phát huy hơn nữa hiệu quả của chương trình, nhất là còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, kéo theo nhiều hậu quả và hệ lụy tiêu cực cho kinh tế - xã hội, gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nội dung của chương trình.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát xây dựng kế hoạch lộ trình trả nợ cụ thể.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng các công trình, quản lý nguồn ngân sách nhà nước và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

"Cần lập kế hoạch chi tiết cụ thể kế hoạch sử dụng vốn trong những năm tiếp theo dựa trên khả năng nguồn thực hiện hiện có của địa phương và không để phát sinh nợ mới, ưu tiên thực hiện trước các công trình thiết yếu với người dân nhưng không quá tập trung vào các tiêu chí xây dựng cơ bản", đại biểu Huy nói.

Bên cạnh đó, ở một số địa phương còn xảy ra hiện tượng cào bằng, dàn trải trong phân bổ nguồn vốn của chương trình. Điều này dẫn tới tình trạng nguồn lực phân bổ thiếu tập trung làm giảm đi hiệu quả của chương trình và tiếp tục làm phát sinh lợi xây dựng cơ bản.

Do đó, một mặt vừa phải bảo đảm tính công bằng trong phân bổ các nguồn vốn, mặt khác vừa phải đầu tư tập trung để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Trước đó, thay mặt Đoàn giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội,Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình giảm nghèo) được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, gồm 07 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp, đến 30/6 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm.

Việc ban hành văn bản của Chương trình cũng chậm so với quy định Nghị quyết 24. Một số văn bản đã ban hành có khó khăn vướng mắc, địa phương kiến nghị cần phải sửa đổi, bổ sung.

Việc phân bổ ngân sách trung ương còn chậm; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp; Giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 (đến 31/01/2023) đạt 35,63% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 53% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 đạt 31,9% kế hoạch.

Hạ An