|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH đề xuất thí điểm thành lập khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng

20:56 | 31/05/2024
Chia sẻ
Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, thay vì đề xuất thí điểm "Khu thương mại tự do" nên thành lập "Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng"

Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tán thành với nhiều nội dung cơ bản tại Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cà Mau nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo tiền đề cho sự phát triển của TP Đà Nẵng.

Liên quan đến đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do, đại biểu tỉnh Cà Mau cho biết, trong bối cảnh Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu của Trung ương đặt ra và vươn lên thành một trung tâm kinh tế năng động của khu vực miền Trung, nên đề xuất thí điểm thành lập "Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng" thay vì chỉ là "Khu thương mại tự do".

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội).

Lý giải cho đề xuất này, đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chọn thành lập doanh nghiệp tại Singapore thay vì Việt Nam do Singapore có các chính sách ưu đãi tài chính và thuế vượt trội. Ngoài ra, các quỹ đầu tư mạo hiểm gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam do các quy định phức tạp và hạn chế,

Vì vậy, việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra một môi trường giao dịch linh hoạt và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này giúp giảm thiểu chi phí giao dịch và thời gian xử lý, từ đó thúc đẩy luồng vốn đầu tư chảy vào Đà Nẵng.

Đồng thời, khu vực tài chính tự do có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tiên tiến, như dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, từ đó thu hút các tập đoàn tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế đến với Đà Nẵng.

 “Tài chính tự do sẽ giúp Đà Nẵng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các trung tâm kinh tế lớn khác trong khu vực như Singapore và Hồng Kông, những nơi có các khu vực tài chính phát triển mạnh mẽ”, đại biểu nhìn nhận.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, trên thế giới, đã có nhiều nước áp dụng chính sách thị thực vàng thành công.

Ví dụ như chính phủ Úc có chương trình visa đầu tư và đổi mới kinh doanh cho phép nhà đầu tư nước ngoài nhận visa thường trú khi đầu tư vào các doanh nghiệp địa phương.

Các nước Ả Rập Xê Út (UEA) cung cấp quyền cư trú dài hạn (lên đến 10 năm) cho các nhà đầu tư, doanh nhân, và chuyên gia trong các lĩnh vực chiến lược và nhiều nước khác...  

Vì vậy, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách ưu đãi nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư chiến lược, trong đó chú trọng đến chính sách nhập cư thuận lợi cho người nước ngoài. Trong đó, thị thực vàng là một chính sách quan trọng mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

"Đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm chính sách thị thực vàng đối với thành phố Đà Nẵng; đó là cho phép quyền cư trú và làm việc hợp pháp đến 5 năm cho chuyên gia và gia đình họ, là những chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp là nhà đầu tư chiến lược cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực quy định tại khoản 1, Điều 12", đại biểu Thanh nêu rõ. 

Nhiều cơ chế hấp dẫn để để thu hút các nhà đầu tư  

Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, ĐBQH TP Hà Nội cũng cho rằng, Chính phủ đã trình một cơ chế đặc thù đầy đủ cho TP Đà Nẵng với 28 chính sách.

Trong đó, có các nhóm chính sách đã được địa phương thực hiện trước đây và sẽ được thực hiện thời gian tới; có những chính sách được các địa phương khác đã thực hiện hiệu quả và sẽ được điều chỉnh và vận dụng cho TP Đà Nẵng; và nhiều chính sách hoàn toàn mới với nhiều cơ chế hấp dẫn để để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và vi mạch bán dẫn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, ĐBQH TP Hà Nội. (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội). 

Đặc biệt, với đề xuất thí điểm khu thương mại tự do, ở đó vừa có những ưu thế của khu phi thuế quan, vừa có ưu thế của khu kinh tế và đặc biệt là thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ cho phát triển thương mại, dịch vụ logistics và du lịch. 

Khu thương mại tự do này sẽ khai thác được thế mạnh của Đà Nẵng mà địa phương khác không có, như Cảng quốc tế Tiên Sa, sân bay quốc tế thuận lợi, du lịch đã cũng được xếp hạng trên thế giới và có nhiều lợi thế khác để thu hút nhà đầu tư vào địa phương. 

"Nếu khu thương mại tự do phát triển thành công không chỉ thu hút các nhà đầu tư vào Đà Nẵng mà còn có vai trò lan tỏa cho các ngành khác và miền Trung phát triển”, ông Cường nêu rõ. 

Trong báo cáo giải trình của Chính phủ, TP Đà Nẵng đã chuẩn bị khá kĩ về cơ sở vật chất, về nguồn lực để thực hiện các cơ chế đặc thù này. Vì vậy, khi thông qua, đại biểu kỳ vọng, Nghị quyết sẽ triển khai ngay, từ đó tạo ra được lợi thế mới về cơ chế quản trị, về thu hút đầu tư và tạo ra điểm nhấn như cực phát triển không chỉ cho khu vực miền Trung, mà còn là hình mẫu tạo ra khu phát triển đặc thù để phát triển nhân rộng ra cả nước. 

Ngọc Bảo