|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, xử lý dự án chậm triển khai tại các khu công nghiệp

08:04 | 28/07/2021
Chia sẻ
Nhằm tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đang tập trung đôn đốc các nhà thầu và các chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công hạ tầng kỹ thuật, xây dựng kết cầu hạ tầng đồng bộ.

Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Quyết Thắng và Khu công nghiệp Nam Phổ Yên; triển khai lập quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Sông Công 2 giai đoạn II và Khu công nghiệp Phú Bình...

Ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cho biết, riêng tại Khu công nghiệp Sông Công 2 (thành phố Sông Công) hiện việc giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng hạ tầng đã hoàn thành trên 90% khối lượng. 

Ngoài trạm biến áp 110kV đã hoàn thành, đi vào hoạt động, Nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp Sông Công 2 cũng hoàn thành 95% khối lượng xây lắp, lắp đặt thiết bị, chuẩn bị đưa vào vận hành... 

Hiện 100% diện tích đất công nghiệp tại Khu công nghiệp Sông Công 2 đã được lấp đầy, thu hút hàng chục dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1,3 tỷ USD....

Đối với việc xử lý các dự án chậm tiến độ, từ cuối tháng 6 vừa qua, Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã ra thông báo chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu B - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên và Dự án Nhà máy đúc gang và thép hợp kim cao cấp của Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên.

Lý do là chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng dự án, không huy động được vốn và không kêu gọi được các đối tác hợp tác đầu tư. 

Ngay sau khi ra thông báo chấm dứt hoạt động của 2 dự án đang trong trạng thái "dự án treo" từ hàng chục năm nay tại vị trí "đất vàng" ngay cửa ngõ tiếp giáp giữa tỉnh Thái Nguyên và Thủ đô Hà Nội, Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư, thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật....

Cũng tại Khu công nghiệp Nam Phổ Yên, Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã ngừng kêu gọi các dự án đầu tư vào khu C của khu vực này. 

Khu công nghiệp có diện tích hơn 40 ha do Công ty TNHH Ðầu tư và Phát triển hạ tầng Lệ Trạch làm chủ đầu tư để xây dựng hạ tầng khu công nghiệp nhưng vẫn chưa triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung, không hoàn thiện hạ tầng theo cam kết. 

Hiện nay, chủ đầu tư được yêu cầu từng bước thực hiện các thủ tục để xử lý dự án chậm tiến độ theo quy định.

Đối với Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy - Khu B có diện tích 170 ha do Công ty cổ phần đầu tư APEC Thái Nguyên làm chủ đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên và các cơ quan chức năng của tỉnh đang tích cực phối hợp triển khai thủ tục thu hồi dự án theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ về các sai phạm của dự án này mới được công bố hồi đầu tháng 7 này.

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn thu hút được 22 dự án đầu tư; trong đó, có 7 dự án FDI và 15 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 47 triệu USD và trên 2.300 tỷ đồng. 

6 tháng qua, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của Thái Nguyên ước đạt tổng doanh thu 13,5 tỷ USD và 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 3.700 tỷ đồng...

Hoàng Thảo Nguyên

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.