|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng đầu ra cho nông sản Việt nhờ công nghệ

08:07 | 12/06/2023
Chia sẻ
Hưởng ứng lời kêu gọi chuyển đổi số của Chính phủ, nhiều chương trình đã được xây dựng nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp. Công nghệ không chỉ tạo nên những giá trị cao trong chất lượng nuôi trồng, canh tác, mà còn hỗ trợ mở ra những kênh tiêu thụ ổn định, bền vững cho nông sản Việt.‏

‏Nguồn cung dồi dào đặt áp lực lên khâu tiêu thụ‏

‏Với tổng diện tích cây ăn quả toàn quốc hiện khoảng 1,1 triệu ha, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ước tính tổng sản lượng thu hoạch cả nước trong năm 2023 vào khoảng 12 triệu tấn. Theo thống kê, từ nay đến cuối năm, cả nước sẽ thu hoạch và cần tiêu thụ khoảng 7,2 triệu tấn trái cây gồm bơ, sầu riêng, mít, bưởi, măng cụt, nhãn, vải thiều, mãng cầu, thanh long…‏

‏Tình hình sản xuất nông sản năm 2023 đang trên đà tăng trưởng tốt, nguồn cung trái cây vô cùng dồi dào. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra áp lực lên khâu tiêu thụ. ‏

‏Bên cạnh nhiều biến động kinh tế, tình hình xuất khẩu nông sản ở một số thị trường cũng giảm bởi yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe, khâu vận chuyển còn nhiều hạn chế khiến giá cả nông sản chưa được cạnh tranh so với các quốc gia khác. Ngoài ra, sức mua trong nước cũng giảm đáng kể, chủ yếu xuất phát từ xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. ‏

Tình hình sản xuất nông sản của nước ta có những tín hiệu tích cực trong năm 2023 (Nguồn ảnh: Quỳnh Như)‏.

‏Mặt khác, theo Chỉ thị số 19/CT-TTg vừa được ban ngày 3/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ, phát triển khu vực kinh tế tập thể (KTTT) nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó số lượng hợp tác xã (HTX) và hiệu quả hoạt động của các HTX được cải thiện.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số còn chậm, thiếu hành động cụ thể là một trong những nguyên nhân khiến KTTT chưa phát triển như mục tiêu kỳ vọng, đồng thời còn nhiều hạn chế trong việc cập nhật năng lực số cho các cán bộ quản lý HTX. ‏

‏Với lĩnh vực nông nghiệp, một trong những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số là đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, kịp thời, đòi hỏi các cơ quan ban ngành hợp tác và huy động những nguồn lực từ các công ty công nghệ, điển hình như các nền tảng, ứng dụng đang hoạt động mạnh mẽ trên thị trường. ‏

‏Dự án GrabConnect: 3 năm bền bỉ đa dạng đầu ra cho nông sản Việt‏

‏Trước những khó khăn trên, các cơ quan ban ngành đã có nhiều biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi số và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trái cây chính vụ như các chương trình truyền thông tuyên truyền, các chương trình mua sắm trực tuyến...

Với sự chung tay của các sàn TMĐT, các nền tảng công nghệ, nhiều chương trình tập huấn cũng đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức, trình độ sử dụng công nghệ cho các cán bộ quản lý HTX, nhà sản xuất nông sản, đồng thời trang bị kiến thức để các HTX nông nghiệp tiếp cận với các kênh tiêu thụ trực tuyến.‏

‏Được Grab Việt Nam công bố triển khai từ năm 2021, trong những năm qua, dự án GrabConnect vẫn nỗ lực theo đuổi chiến lược dài hạn trong việc kết nối nông sản địa phương an toàn, chất lượng từ nông dân đến tay người tiêu dùng khắp cả nước. ‏

‏Trong những năm qua, dự án GrabConnect đã nỗ lực giản lược các khâu trung gian, đồng thời tích cực hợp tác với một số đơn vị chuyên kết nối các nhà vườn, HTX nông nghiệp uy tín với các nền tảng công nghệ như Grab. Qua đó, dự án có thể tiếp cận với nhiều HTX và nhà vườn địa phương hơn, giúp họ mở rộng kinh doanh và được hưởng lợi từ nền kinh tế số. ‏

‏Thông qua dự án GrabConnect, nhiều đối tác của Grab được tiếp cận với nguồn trái cây chính vụ, chất lượng cao với giá cả phải chăng (Nguồn ảnh: Quỳnh Như)‏.

‏Với năng lực công nghệ và thế mạnh hệ sinh thái, bao gồm đối tác nhà hàng, quán ăn GrabFood, các đối tác cửa hàng GrabMart, các chủ shop online sử dụng dịch vụ GrabExpress, dự án GrabConnect đã và đang giới thiệu, kết nối các sản phẩm nông sản với mạng lưới đối tác của mình. Qua đó, không chỉ các HTX có thêm kênh tiêu thụ mới ổn định, mà các đối tác của Grab cũng được tiếp cận với nguồn trái cây chính vụ chất lượng, tươi ngon với giá cả phải chăng.‏

‏Vào những mùa cao điểm thu hoạch, Grab cũng tích cực triển khai các chiến dịch quảng bá trái cây đặc sản như “Lễ hội trái cây”. Người dùng có thể đặt trái cây từ các đối tác cửa hàng uy tín trên GrabMart, với thời gian giao hàng nhanh chóng. Các chương trình ưu đãi cũng được siêu ứng dụng này tích cực triển khai để người dùng có thể thưởng thức trái cây đặc sản tiết kiệm hơn.‏

‏Mặt khác, với mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp, trong khuôn khổ dự án GrabConnect, Grab Việt Nam cũng đã phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade), Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED),Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (ITPC-VCA), nhằm triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số và hỗ trợ chuyển đổi số cho hơn 800 HTX nông nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trong năm 2022.‏

‏Các lớp tập huấn, trang bị kiến thức chuyển đổi số cho HTX nông nghiệp được dự án GrabConnect tích cực triển khai trong năm 2022 (Nguồn ảnh: Quỳnh Như)‏.

‏Chuyển đổi số là mục tiêu quan trọng của quốc gia, tuy nhiên, đẩy mạnh chuyển đổi số trong từng ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi những chương trình và sáng kiến khác biệt. Đối với ngành nông nghiệp, hiệu quả rõ nét đang được nhận thấy từ những chương trình tận dụng công nghệ để phát triển thêm đầu ra ổn định lâu dài cho HTX và nhà sản xuất nông sản.

Kết hợp với những chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực số cho HTX, chắc chắn những sáng kiến này sẽ còn cho thấy nhiều kết quả tích cực cho trong tương lai, cho ngành nông nghiệp nói riêng, và toàn bộ nền kinh tế số về lâu dài. ‏

Bích Thu