|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen len lỏi các miền quê

20:08 | 21/10/2018
Chia sẻ
Tín dụng đen vẫn đang âm thầm len lỏi tại các miền quê và gây ra nhiều thiệt hại cho người dân nông thôn với nhiều gia đình túng thiếu, nợ nần chồng chất.

Vậy làm thế nào để loại bỏ hoạt động này ra khỏi thị trường tài chính vẫn luôn là câu hỏi lớn đối với các cơ quan chức năng, nhất là đối với hệ thống ngân hàng. Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc xử lý những vấn đề liên quan đến tín dụng đen cùng với nỗ lực của các ngân hàng đã góp phần đẩy lùi vấn nạn này ở nông thôn.

Nỗ lực xóa tín dụng đen

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp như tạo điều kiện cho hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), các quỹ tín dụng mở các chi nhánh, cung ứng các dịch vụ thanh toán, tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng qua hình thức ngân hàng lưu động, áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu thanh toán và vay vốn của người dân.

day lui van nan tin dung den len loi cac mien que
Khách hàng giao dịch tại Agribank. Ảnh: Hương Phạm/BNEWS/TTXVN

Cùng với đó, ngành ngân hàng thực hiện tốt hơn nữa các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, các chương trình tín dụng đặc thù của Chính phủ để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tốt hơn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng giải quyết, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, thanh toán để giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, việc đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông thôn.

Kết quả đầu tư tín dụng thời gian qua cho thấy, 1 đồng vốn tín dụng đã góp phần tạo ra xấp xỉ 1,2 đồng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản.

Có thể thấy rõ, vốn tín dụng đã giúp người dân, doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể (Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…) giúp người vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Từ đó, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen ở khu vực nông thôn; trong đó, Agribank và Ngân hàng Chính sách Xã hội là 2 đơn vị luôn sát cánh trong lĩnh vực này.

Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước bằng nhiều biện pháp mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, Agribank đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại.

Trong số 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện có, Agribank phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ vay tiêu dùng, vay tín chấp…, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, đồng thời triển khai các gói ưu đãi lãi suất thu hút khách hàng.

Mỗi năm bằng nguồn tài chính của ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Agribank cũng có rất nhiều gói lãi suất ở mức ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí có mức lãi suất còn thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ trong Agribank.

Trong tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1.120.000 tỷ đồng, có tới 73,6% dư nợ của Agribank nằm ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 51% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho “tam nông”. Trong khi đó, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đối với nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Hơn 15 năm qua, nguồn vốn chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… Qua đó, giúp hơn 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với doanh số cho vay đạt trên 433.000 tỷ đồng để giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo.

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội nhận định, hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống của người nông dân, thu hẹp dần chênh lệch thu nhập giữa các vùng và ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

"Một điều quan trọng thông qua hoạt động tín dụng chính sách cũng đã góp phần thay đổi cơ bản nhận thức của người nghèo về ý thức tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai. Hoạt động của Ngân hàng Chính sách góp phần hoàn thành cơ bản Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua các thời kỳ", ông Dương Quyết Thắng khẳng định.

Rút ngắn khoảng cách giữa người dân với vốn rẻ

Một thực tế tại các địa phương cho thấy, hình thức tín dụng đen vẫn còn tồn tại là do sự hấp dẫn bởi mức lãi suất huy động cao. Bên cạnh đó, những người vay cần vốn trong điều kiện nhất định, nhưng họ không đủ điều kiện tiếp cận ngân hàng, buộc họ phải tìm đến tín dụng đen bởi thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng.

Ông Nguyễn Dự, Giám đốc ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Gia Lai cho hay, tín dụng đen hình thành từ thói quen, tập tục sinh hoạt của chính những đồng bào dân tộc thiểu số. Do cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nên khi mua nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày như đường sữa, mắm muối, bà con thường ghi nợ.

Hay khi cần tiền, có thể chỉ là một vài triệu, thậm chí dăm bảy trăm nghìn, họ vay tạm để chi tiêu. Nhiều lần dồn lại, cộng với cách tính lãi "khủng” của những đối tượng cho vay, lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến họ trở thành con nợ, đến mùa phải gán tất cả nông sản để trả nợ mà vẫn không đủ. Nhiều hộ mất khả năng thanh toán, phải gán nhà, gán đất, dẫn đến ngày càng nghèo đói.

day lui van nan tin dung den len loi cac mien que
Mô hình ngân hàng lưu động giúp Agribank tiếp tục mở rộng mạng lưới. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Dự cũng cho rằng, chính quyền các cấp cần tăng cường rà soát, nắm tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ tác hại của tín dụng đen. Đồng thời, phối hợp với ngành ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng chính sách; tăng cường khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, định hướng phát triển kinh tế theo lợi thế từng vùng nhằm giúp người dân sử dụng vốn hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã, không để hộ nghèo, hộ cận nghèo nào thực sự cần vốn mà lại thiếu vốn.

“Với riêng Agribank, chúng tôi đang nỗ lực đưa vốn đến những buôn làng xa xôi nhất bằng việc mở các phòng giao dịch hoặc xe cho vay lưu động. Nếu như trước đây, người dân cần vay vốn phải tìm đến ngân hàng thì ngày nay chính ngân hàng đang tìm đến từng người dân để mang vốn đến cho họ, giúp họ sản xuất kinh doanh để sớm thoát nghèo”, ông Nguyễn Dự, Giám đốc ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Gia Lai nói.

Lãnh đạo Agribank xác định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục là địa bàn chiến lược và là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Agribank ưu tiên. Đó là cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng thông qua đơn giản hóa thủ tục. Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp…

Từ đó để mọi người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đều có thể tiếp cận và sử dụng nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng trong giao dịch thanh toán.

Xem thêm

Đỗ Huyền