Đầu tư sân bay Long Thành: Sun Group làm được sân bay, tại sao ACV không làm được?
Tại phiên họp ngày 12/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với 21 đại biểu đăng kí phát biểu.
Đại biểu Mai Sỹ Diễn (Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải đảm bảo tiến độ để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Đại biểu Mai Sỹ Diễn phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 12/11. Ảnh: Quochoi.vn.
Ông Diễn cũng đồng ý với việc bổ sung đề bù, giải phóng mặt bằng đối với 136 ha để thực hiện cho 2 tuyến giao thông kết nối tới sân bay Long Thành; kinh phí bồi thường tái định cư được lấy từ vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án.
Đại biểu Diễn cho rằng việc tăng diện tích giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên 1.810 ha sẽ không phát sinh thêm chi phí giải phóng mặt bằng bởi số diện tích đất này vẫn nằm trong 5.000 ha tổng diện tích của dự án. Việc bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối cũng cần thiết vừa thực hiện đồng bộ, rút ngắn thời gian, bảo đảm tiến độ khai thác dự án.
Ngoài ra, ông Diễn cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải phải có giải pháp quyết liệt cam kết bảo đảm tiến độ dự án. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải giải trình làm rõ giải pháp tổng thể về giao thông kết nối với sân bay Long Thành, tránh tình trạng như sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua.
Đại biểu Hoàng Thị Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (thuộc Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang) nêu ý kiến đồng tình với việc không vay vốn ODA thực hiện dự án vì sẽ tác động đến nợ công.
"Đây là công trình quan trọng, liên quan tới quốc gia nên cần thận trọng, chặt chẽ", bà Hoa nói.
Bà Hoa cũng đề nghị Chính phủ xem xét chỉ định cho doanh nghiệp thực hiện dự án gồm hai doanh nghiệp là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Công ty Quản lý bay Việt Nam.
Theo bà Hòa, ACV là doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối hơn 95%, nên nếu tổ chức đấu thầu trong nước thì ACV là đơn vị duy nhất đáp ứng và có khả năng triển khai dự án đảm bảo tính khả thi.
Đồng tình với ý kiến của bà Hoa, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) cũng cho rằng nếu giao dự án cho các doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện thì tương lai đất nước sẽ có công nghiệp hàng không và đây sẽ là đột phá tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.
"Sun Group làm được sân bay Vân Đồn, tại sao ACV không làm được như Sun Group trong khi chúng ta có nguồn lực. Phải nói là ACV làm rất tốt công tác chuẩn bị, truyền thông, vận động hành lang", đại biểu Hồng nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 12/11. Ảnh: Quochoi.vn.
Ông Hồng cũng cho rằng dự án này không được phép lùi và không thể lùi việc thực hiện dự án.
"Dự án này được đưa vào mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn tới. Ngoài ý nghĩa về kinh tế dự án còn nhiều ý nghĩa khác và là dấu ấn của cả một giai đoạn", ông Hồng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Hồng cũng nêu ý kiến cần phải bàn thêm về việc liệu tổng mức đầu tư của dự án có đảm bảo số liệu chính xác.
"Với trách nhiệm của mình, Quốc hội cần giám sát hàng năm, Chính phủ phải có báo cáo về tình hình thực hiện để Quốc hội thảo luận, qua đó kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án", ông Hồng nói.
Đồng tình với ý kiến của Đại biểu Hồng về vấn đề dự án sân bay Long Thành là dấu ấn của cả một giai đoạn, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM) cũng cho rằng nếu dự án làm không tốt sẽ "đè nặng lên sự phát triển của đất nước".
Do đó khi thực hiện phải đảm bảo tiêu chí tăng hiệu quả kinh tế, tăng ổn định xã hội, tăng cơ sở hạ tầng kĩ thuật, tăng trình độ công nghệ. Đại biểu Nghĩa cũng lưu ý đến trách nhiệm cao và thận trọng khi triển khai dự án.
Bàn về phương án huy động vốn của ACV, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị, cho biết, trong tổng số 4,194 tỉ USD vốn của ACV đầu tư vào dự án, dự kiến ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỉ USD trên thị trường vốn quốc tế hoặc trong nước, giải ngân trong giai đoạn 2021-2025.
Ông Đồng cho rằng, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối nên dù doanh nghiệp này huy động vốn dưới hình thức nào trên thị trường vốn quốc tế thì mặc nhiên Chính phủ Việt Nam, dù không cấp bảo lãnh đối với khoản vay, vẫn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tài chính chủ yếu trong trường hợp ACV không trả được nợ vay.