|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đầu tư PPP: Hợp tác khác với 'ban ơn' cho doanh nghiệp

06:45 | 12/11/2019
Chia sẻ
Hiện vẫn còn tư tưởng “lỗ thì chịu ít mà lời thì ăn nhiều. Trong khi các lợi ích của Nhà nước khi hợp tác công -tư thì không thể tính bằng tiền.

Hợp tác công – tư trong các dự án lớn đang là vấn đề được quan tâm. Ngoài các vấn đề về nguồn vốn, cách quản lý thì câu chuyện về sự bình đẳng giữa các đối tác được bàn luận rất nhiều. 

Bởi lâu nay, tư duy “nhà nước quản lý, doanh nghiệp đi xin” đã ăn sâu vào cách làm của nhiều người, gây khó dễ cho DN.

“Lỗ thì Nhà nước chịu ít mà lời thì ăn nhiều”

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng một bộ phận cơ quan công quyền hiện nay coi hợp tác với doanh nghiệp làm BOT là ban ơn cho họ. "Rõ ràng điều này là rất không nên", ông Thiên nhấn mạnh.

Trong dự thảo luật PPP có bàn về cơ chế chia sẻ rủi ro, trong đó Chính phủ bù không quá 50% phần hụt thu và hưởng không ít hơn 50% phần vượt. Thì tư tưởng này hoá ra lại theo kiểu lỗ thì chịu ít mà lời thì ăn nhiều. 

Lợi ích của nhà nước trong các dự án PPP là lợi ích xã hội, lợi ích lâu dài chứ không phải lợi ích tính bằng tiền.

Đầu tư PPP: Hợp tác khác với 'ban ơn' cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều dự án gặp rủi ro, nhà đầu tư phải gánh chịu.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh rằng, việc hợp tác công tư phải có bên thứ 3 là dân cư xã hội, do đó dự luật phải giải quyết được mối quan hệ giữa 3 chủ thể là nhà nước - nhà đầu tư - cộng đồng. 

Từ đó, đảm bảo nguyên tắc kinh tế thị trường, nếu thiếu sót trong quá trình đầu tư và vận hành thì cách thức can thiệp và quản lý như thế nào?

Xét về mặt kinh tế phải áp dụng quyền lợi ngang bằng nhau, nếu xảy ra rủi ro phải dựa trên nguyên tắc nào? 

“Dịch vụ công phải đảm bảo tính liên tục, không được phép dừng khi phát hiện vô lý, nếu chứng minh được nhà nước hay nhà đầu tư sai thì bên đó phải đền bù vì đây là mối quan hệ kinh tế, đích đến là làm sao để thu hút được đầu tư, do đó cần phải có quy định rõ về cách thức tính khoản bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh lợi nhuận”.

PPP sinh ra từ việc nguồn lực tài chính quốc gia không đáp ứng được mong mỏi của nhà nước.

 Vì vậy, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội,  trong điều kiện nhà đầu tư trong nước và quốc tế vẫn có khả năng huy động vốn tốt hơn nhà nước.

Khi so sánh lợi của huy động vốn trong xã hội với việc nhà nước đứng ra bảo lãnh vốn vay cho thấy xu hướng huy động vốn từ các thành phần kinh tế khác có hiệu quả hơn thì nhà nước sẽ đứng ra nhượng quyền. 

Lúc này nhà nước có 2 vai, vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà quản lý.

Theo GS Nguyễn Mại, Cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nội dung quan trọng nhất của PPP. Thiếu cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nguyên nhân chính hạn chế sự hấp dẫn của nhà đầu tư nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài. 

PPP đòi hỏi Nhà nước quy định rõ ràng, minh bạch, cơ chế bảo lãnh, chia rẽ rủi ro: Cơ quan Nhà nước cam kết vốn hỗ trợ công trình; Nhà đầu tư được vay tín dụng Ngân hàng; Chủ đầu tư bố trí đủ vốn đối ứng; Bộ GTVT, Chính quyền địa phương bảo đảm an toàn hoạt động các trạm thu phí và bảo đảm lộ trình tăng phí.

Lấy kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Nguyễn Mại cho biết: Hàn Quốc có 2 cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư: Đảm bảo doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư và Nhà đầu tư chủ động đề xuất dự án với Chính phủ. 

Chính phủ trực tiếp chi trả khoản bảo lãnh hỗ trợ nhà đầu tư hoặc đàm phán kéo dài thời gian hợp đồng PPP.

Ngoài ra, khâu tổ chức thực hiện các dự án PPP cũng được vị chuyên gia này lưu ý và coi đây là khâu yếu nhất, nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong quá trình đấu thầu thực hiện dự án, không sòng phẳng trong quan hệ công tư.

Cuối cùng vẫn là công khai, minh bạch

Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế Bộ trưởng KH&ĐT lý giải lý do vì sao nhà đầu tư nước ngoài không vào được Việt Nam để đầu tư. "Không phải vì họ không có đủ tiền, mà do Việt Nam vẫn chưa có cơ chế chuyển đổi đồng tiền cho các nhà đầu tư", ông Sinh nói.

Theo ông Sinh, nhiều luật chỉ mới đưa ra một thời gian ngắn đã phải sửa đổi rất nhiều lần, do đó cần phải có biện pháp để một luật có thời gian “sống” dài hơn, ít nhất tồn tại trên 5 năm.

Đa phần các luật tại Việt Nam đều do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, điều kiện thực tiễn thay đổi liên tục, nếu giữ quy định cứng sẽ rất khó thực hiện, do đó cần phải có những điều luật quy định chi tiết và linh hoạt hơn.

Ngoài ra, ông Sinh cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn nhận thức chưa đúng về đầu tư. Thực chất, hợp tác công tư có hai khía cạnh, một là nguồn lực và hai là hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

“Luật quy định hạn mức quy mô thấp nhất là 200 tỷ, tôi cho rằng việc này sẽ gây ra thắc mắc. Đối với lĩnh vực y tế, giáo dục thì chỉ cần 100 tỷ là đủ, cho nên việc soạn thảo luật cần phải viết sao cho mềm dẻo”, ông Sinh nhận định.

Ông Cao Viết Sinh cũng cho hay, việc công khai minh bạch dự án là chính đáng, tuy nhiên hiện mới chỉ công khai trong đầu tư, chứ chưa công khai trong việc vận hành. Luật cũng cần phải quy định vai trò của ngân hàng phát triển để làm rõ nguồn vốn. 

Ngoài ra, cần phải có ban quản lý theo dõi quá trình vận hành của dự án, đứng ra chịu trách nhiệm từ quá trình đầu tư đến quá trình vận hành.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng công tác truyền thông về dự thảo luật này rất quan trọng.

"Khi tôi tham gia làm dự thảo luật này thì tôi thấy khó bởi vấn đề cốt lõi nằm ở tư duy, tư tưởng, tình cảm của người dân và Đại biểu Quốc hội về luật này.

 Di chứng BOT làm cho người dân và ĐBQH phải suy nghĩ. Do vậy, làm luật thì phải tạo dựng trên nền tảng niềm tin, vì cứ vẽ ra luật thì chắc gì đã thực thi được”, ông Phúc nói.

An Nhi

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.