Đâu là động lực tăng trưởng dài hạn của ngành xây dựng?
Biên lãi gộp ngành xây dựng bị thu hẹp
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), trong 6 tháng đầu năm, bình quân giá vật liệu xây dựng nhà ở và giá xăng dầu trong nước tăng lần lượt 5% so với cùng kỳ năm trước và 17%.
Trong đó, riêng vật liệu thép, thường chiếm 11-16% chi phí đầu vào trong các dự án xây dựng, tăng tới 40% so với cuối năm 2020. Điều này gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các nhà thầu xây dựng. Do đó, một số dự án buộc phải tạm dừng thi công khi giá vật liệu xây dựng tăng đột biến.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sự cạnh tranh gay gắt cũng là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận gộp các nhà thầu giảm trong nửa đầu năm nay.
Riêng CTCP Fecon (Mã: FCN) và CTCP Licogi 16 (Mã: LCG) có sự cải thiện biên lợi nhuận gộp nhờ đóng góp từ các mảng khác với tỷ suất lợi nhuận gộp tốt hơn như bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT).
Theo CBRE, số lượng căn hộ mở bán mới tại TP HCM trong 6 tháng đầu năm giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tại Hà Nội tăng 10% nhưng vẫn ở mức thấp so với năm 2019.
VDSC cho rằng, COVID-19 là yếu tố chính cùng với việc chậm chạp trong các thủ tục cấp phép khiến việc chào bán mới bị giảm sút. Các hoạt động xây dựng sẽ bị hạn chế khi thị trường bất động sản trầm lắng trong bối cảnh các dự án chậm triển khai.
Trong tháng 7 và tháng 8, các hoạt động xây dựng đã bị hạn chế hơn nữa do các yêu cầu phong tỏa nghiêm ngặt từ Chỉ thị 16 của Chính phủ tại TP HCM nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong thời gian xảy ra đại dịch.
Đầu tư công - điểm then chốt thúc đẩy ngành xây dựng
Theo nhận định từ VDSC, đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn nhất của ngành xây dựng trong 5 năm tới, đặc biệt là các dự án CSHT.
Theo Fitch Solutions, giá trị ngành xây dựng CSHT sẽ đạt 158.167 tỷ đồng vào năm 2025, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10% trong giai đoạn 2020-2025. Trong đó, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đầu tư các dự án CSHT lớn là động lực chính.
Cụ thể, tổng vốn ngân sách nhà nước theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 43% so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, 1,5 triệu tỷ đồng trên tổng vốn ngân sách dành cho các vùng kinh tế trọng điểm và 1,37 triệu tỷ đồng cho các khu vực khác.
VDSC cho rằng trong bối cảnh khó giành được hợp đồng do quá trình đấu thầu gay gắt, việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới bằng cách tham gia mảng xây dựng phân khúc khác đáng được cân nhắc.
Như đã đề cập, việc xây dựng CSHT khá hứa hẹn được hỗ trợ bởi chủ trương của chính phủ. Trong đó, tập trung vào xây dựng CSHT công cộng như đường bộ, đường cao tốc,... sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất theo dự báo của Fitch.