Đâu là cái gốc giúp nâng hạng TTCK Việt Nam?
Sáng nay (30/3), Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn – cơ hội trong kỷ nguyên mới” được tổ chức. Phát biểu tại diễn đàn, Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến cho mức tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trên toàn cầu giảm mạnh chưa từng thấy trong nửa thập kỷ.
Tuy nhiên trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn được coi là một điểm sáng khi giữ vững ổn định kinh tế với GDP tăng 2,91%, tỷ giá ổn định và lạm phát được giữ ở mức thấp.
Cũng theo bà Bình, thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2020 cũng chứng kiến một năm rất nhiều cảm xúc khi vào thời điểm dịch bùng phát lần đầu tiên nhà đầu tư liên tục rút vốn, thanh khoản giảm và thị trường lao dốc mạnh.
Vào thời điểm ngày 22/3/2020, thị trường chứng kiến VN-Index xuống còn 666,59 điểm, đến thời điểm hôm nay đã tăng gần gấp đôi so với mức đáy.
"Thị trường đã có sự hồi phục mạnh mẽ sau thời kỳ giảm sâu và tính đến cuối tháng 2/2021 thì VN-Index và vốn hóa thị trường đã tăng lần lượt gần 6% và 7,3% so với cuối năm 2020.
Đặc biệt, giá trị giao dịch bình quân tăng rất mạnh, trung bình xấp xỉ 19.000 tỷ đồng/phiên, tăng 154% so với mức trung bình năm 2020 và số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đang ở mức cao nhất kể từ khi thị trường thành lập đến nay".
Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cũng đánh giá chứng khoán phái sinh có mức tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn vừa qua.
Trong năm 2020, giao dịch của hợp đồng tương lai VN30 sôi động, thanh khoản tăng 80% so với năm 2019 và khối lượng giao dịch bình quân cũng tăng tới 77%.
Như vậy có thể thấy với sự phục hồi của nền kinh tế, bên cạnh mặt bằng lãi suất duy trì thấp, cùng với niềm tin của nhà đầu tư vào tình hình kinh tế vĩ mô và các cải cách của chính phủ đã giúp dòng tiền chảy mạnh vào TTCK trong thời gian qua.
Câu chuyện nâng hạng thị trường
Trong các tổ chức xếp hạng thị trường, MSCI vẫn xếp Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên trong khi đó FTSE Russell vẫn đưa Việt Nam trong danh sách chờ xếp hạng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Theo bộ tiêu chí của FTSE Russell cập nhật tháng 9/2020, TTCK Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 tiêu chí nâng hạng.
Riêng tiêu chí chung chu kỳ thanh toán theo mô hình đối tác trung tâm (CCP) đang được tổ chức đánh đánh giá là hạn chế do nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh và tiêu chí thanh toán tỷ lệ hiếm khi giao dịch thất bại không được đánh giá do yêu cầu thanh toán kỹ quỹ trước hiện tại dẫn đến khả năng nhiều giao dịch thất bại gần như không tồn tại.
"Hiện nay chúng tôi đã hoàn thành toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019, theo đó riêng cấu phần về vấn đề thanh toán bù trừ đã được quy định để chờ hệ thống công nghệ thông tin mới dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2021.
Theo tiến bộ của hệ thống này, chúng ta có thể áp dụng cơ chế CCP ngay cả cho thị trường cơ sở. Nếu như làm được điều đó thì chúng ta sẽ xử lý được tiêu chí mà FTSE hiện nay còn đánh giá thấp thị trường Việt Nam đó là hạn chế phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh".
Theo bà Bình, đối với tiêu chí của MSCI thì Việt Nam còn tới 9/17 tiêu chí cần phải cải cách. Nếu so sánh với Kuwait mới được nâng hạng năm 2020, thì Việt Nam còn 5 tiêu chí phải cải thiện để được nâng hạng.
Trong báo cáo tháng 6/2020, các tiêu chí cần phải cải thiện có thể kể đến là giới hạn sở hữu nước ngoài tại các lĩnh vực có điều kiện, TTCK bị ảnh hưởng đáng kể bởi room khối ngoại, quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan đến thông tin có được minh bạch bằng tiếng Anh và room sở hữu, mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối, vấn đề đăng ký mở tài khoản có chấp thuận của VSD, quy định thị trường và dòng thông tin bằng tiếng Anh vẫn còn thiếu và vấn đề thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền.
Điểm tích cực là trong báo cáo này, MSCI đã có một số điều chỉnh trong đánh giá với Việt Nam về thanh toán bù trừ, họ đã bỏ bớt nhận định không có cơ sở thanh toán bù trừ chính thức.
Bà Bình nhận định việc MSCI đưa Kuwait lên thị trường mới nổi từ ngày 1/12/2020 cũng là một yếu tố tích cực đối với TTCK VN khi trở thành thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Market Index.
Các quỹ chuyên đầu tư vào khu vực cận biên đang gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trên TTCK Việt Nam và như vậy vị thế của thị trường được đánh giá cao hơn và đây là nhân tố thuận lợi cho việc nâng hạng.
Về việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, với các quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư chứng khoán và chứng khoán, không gian cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được mở cửa hơn nữa.
Đi tìm giải pháp giúp nâng hạng TTCK Việt Nam?
"Chúng tôi cho rằng câu chuyện nâng hạng TTCK không phải câu chuyện của riêng ngành chứng khoán hay riêng cơ quan quản lý TTCK mà động lực nâng hạng thị trường chính là các doanh nghiệp, các công ty đại chúng, các tổ chức niêm yết phải thực sự tuân thủ các quy định về vấn đề minh bạch, tuân thủ các quy định về kỷ luật công bố thông tin, làm quen và thực thi đúng các chuẩn mực kế toán quốc tế, phát triển bền vững. Đây mới chính là cái gốc để nâng hạng.
Bên cạnh đó, cần nhiều yếu tố khác cần cải thiện để phục vụ cho mục tiêu nâng hạng như mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, giảm thiểu sự can thiệp hành chính của nhà nước vào các hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện độ mở của thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp", bà Bình khẳng định.
Trong bối cảnh TTCK hội nhập sâu, rộng với TTCK quốc tế, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cũng lưu ý sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính Fintech vừa tạo ra nhiều cơ hội để phát triển TTCK hiệu quả, phục vụ nhiều khách hàng với chi phí thấp hơn nhưng cũng mang tới nhiều rủi ro và thách thức mà cơ quan quản lý và thị trường phải đối mặt, nhất là các rủi ro hệ thống, rủi ro mô hình kinh doanh, an ninh mạng…
Theo bà Bình, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đều nhìn thấy những cơ hội lớn cho sự phát triển của TTCK Việt Nam với triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian không xa.
Tuy nhiên, nâng hạng thị trường hay nâng tầm TTCK là câu chuyện làm sao để tạo ra những thay đổi mang tính tổng thể và bền vững cả về góc độ mở cửa nền kinh tế, thị trường ngoại hối và chất lượng của các doanh nghiệp, công ty đại chúng, tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, tính minh bạch của thị trường.