|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đấu giá tài sản trực tuyến: chọn mô hình nào?

22:00 | 21/03/2017
Chia sẻ
Đang có ba mô hình đấu giá trực tuyến được Bộ Tư pháp cân nhắc lựa chọn để đưa vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật đấu giá tài sản 2016 có hiệu lực từ 1-7-2017 tới.
dau gia tai san truc tuyen chon mo hinh nao
Từ 1-7-2017, bên cạnh hình thức đấu giá truyền thống sẽ có hình thức đấu giá trực tuyến. (Ảnh minh họa)

Ba mô hình đấu giá trực tuyến

Nhằm đa dạng hóa hình thức đấu giá, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động hành nghề đấu giá trong tình hình mới, tiếp cận với xu thế phát triển của thế giới cũng như hạn chế thông đồng dìm giá, thu hút được nhiều người tham gia, Luật Đấu giá tài sản 2016 đã bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến (bên cạnh các hình thức đấu giá truyền thống) so với quy định pháp luật hiện hành (Nghị định số 17) về bán đấu giá tài sản.

Theo Điều 40 Luật Đấu giá tài sản 2016, có bốn hình thức đấu giá bao gồm: đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến.

Đối với đấu giá trực tuyến, do lần đầu đưa vào luật nên Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang giúp Chính phủ chủ trì xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn này.

Bộ Tư pháp cho biết, để đảm bảo triển khai quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 về hình thức đấu giá trực tuyến, bộ đã tham khảo kinh nghiệm của các nước có hoạt động đấu giá trực tuyến phát triển, qua đó cho thấy hiện có ba mô hình (chính) về đấu giá trực tuyến sau:

Mô hình (1) là các tổ chức thương mại thành lập trang thông tin điện tử có hình thức đấu giá trực tuyến để người có tài sản, người mua tài sản thực hiện việc mua bán tài sản trên đó (như các trang web đấu giá eBay, amazone…).

Với mô hình này, chủ trang thông tin điện tử có hình thức đấu giá không trực tiếp bán hàng của mình mà chỉ giúp các thành viên, doanh nghiệp (người có tài sản) liệt kê và trưng bày tài sản của họ, để các thành viên khác (người mua) xem, tham gia đấu giá tài sản đó và thực hiện việc thanh toán. Việc công bố thông tin, chất lượng, giá bán của tài sản hoàn toàn do người có tài sản tự thực hiện, đăng tải trên mạng.

Mô hình (2) là Nhà nước giao cho một doanh nghiệp nhà nước đứng ra thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để bán đấu giá tất cả các tài sản công hoặc tài sản khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

Điển hình thành công của mô hình này Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO). KAMCO được Chính phủ Hàn Quốc cho phép thực hiện bán đấu giá tài sản công thông qua hệ thống đấu giá trực tuyến (có thu lệ phí tham gia) để thu hồi tiền về ngân sách. Từ sự thành công của hệ thống đấu giá trực tuyến của KACOM, tháng 10-2014, hình thức đấu giá tài sản công truyền thống đối với tài sản công đã bị hủy bỏ, chuyển 100% các cuộc đấu giá sang hình thức trực tuyến do KAMCO thực hiện.

Mô hình (3) là tổ chức đấu giá tài sản tự thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của mình và tổ chức việc đấu giá tài sản trên trang thông tin đó.

Theo mô hình này, các tổ chức đấu giá tài sản thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của mình để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức trực tuyến trên cơ sở hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với người có tài sản. Đối với các tổ chức đấu giá tài sản không thể thành lập trang tin điện tử đấu giá trực tuyến thì có thể ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để thuê cơ sở hạ tầng đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá.

Chọn mô hình nào?

Nghiên cứu các mô hình đấu giá trực tuyến nói trên, bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đồng thời là Tổ biên tập dự thảo nghị định, cho rằng việc đấu giá trực tuyến các hàng hóa tại mô hình (1) không do tổ chức đấu giá tài sản thực hiện nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản 2016. Có nghĩa mô hình này không thể được lựa chọn để đưa vào nghị định.

Đối với mô hình (2), bà Mai cũng nhận định là việc đấu giá trực tuyến của KAMCO chưa phù hợp và không đảm bảo tính khả thi với bối cảnh hoạt động đấu giá hiện nay của Việt Nam. Bà Mai lý giải: "Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản chỉ cho phép các tổ chức đấu giá tài sản được thành lập theo quy định của Luật Đấu giá tài sản mới được thực hiện hoạt động hành nghề đấu giá tài sản và thu thù lao. Chưa kể KAMCO được quyền bán đấu giá các tài sản công, trong khi Luật Đấu giá tài sản quy định người có tài sản muốn bán đấu giá thì phải ký hợp đồng dịch vụ đấu giá với tổ chức đấu giá tài sản, trừ trường hợp thành lập Hội đồng đấu giá để bán đấu giá".

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng cho rằng, Luật Đấu giá tài sản 2016 không quy định một cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập đứng ra thành lập hay cho thuê (trang thông tin điện tử tổ chức đấu giá trực tuyến) thì dự thảo nghị định không thể quy định.

Vì vậy, theo bà Mai, dự thảo nghị định quy định hình thức đấu giá trực tuyến tại Việt Nam chỉ có thể theo mô hình (3). Theo đó, các tổ chức đấu giá tài sản tự thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của mình hoặc cho các tổ chức đấu giá khác thuê cơ sở hạ tầng. Riêng đối với trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện thì Hội đồng ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá.

Với tinh thần đó, dự kiến dự thảo nghị định sẽ quy định các điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến đối với trang thông tin điện tử của tổ chức đấu giá tài sản. Việc đánh giá, thẩm định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến do Hội đồng thẩm định thực hiện với thành phần là đại diện các bộ, ngành có liên quan do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập. Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án đấu giá trực tuyến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định và công bố danh sách tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin đấu giá trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Bộ và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản.

Ngoài ra, để việc đấu giá trực tuyến trên trang thông tin điện tử được an toàn, công khai, minh bạch, khách quan, dự thảo nghị định cũng sẽ quy định yêu cầu hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động đấu giá trực tuyến, việc xác định người trúng đấu giá trên hệ thống thông tin, trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức có trang thông tin điện tử có chức năng đấu giá trực tuyến trong hoạt động đấu giá trực tuyến.

Bên cạnh các mô hình nói trên, còn có ý kiến cho rằng nên xây dựng một trang web để tất cả tổ chức đấu giá tài sản sử dụng làm nơi đấu giá trực tuyến công khai. Bởi, có như vậy mới kiểm soát được hoạt động đấu giá cũng như bảo đảm các vấn đề khác như bảo mật, ủy quyền... Còn nếu mỗi tổ chức đấu giá tài sản lại sử dụng trang web riêng của họ liệu có công khai, minh bạch không, trong khi cần coi đây như là một chợ để các tổ chức đấu giá cùng sử dụng?

Đá Bàn

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.