Dấu ấn ngành ngân hàng năm Bính Thân qua những con số
41 triệu USD dự trữ ngoại hối
Đây là lượng lượng dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam. Cung ngoại tệ năm 2016 được hỗ trợ tích cực từ cán cân thương mại thặng dư và FDI tăng khá. Dòng vốn ngoại đổ vào doanh nghiệp Việt Nam từ các đợt thoái vốn cổ phần của cổ đông nhà nước cũng đã và dự kiến sẽ tiếp tục mang về nguồn tiền tươi thóc thật bằng ngoại tệ cho Việt Nam, như riêng đợt thoái vốn Vinamilk đã giúp thu về 500 triệu USD.
Tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, NHNN đã mua vào trên 11 tỷ USD, đồng thời phải bơm ra thị trường lượng nội tệ kỷ lục. Mặc dù lượng tiền VND bơm ra thị trường lớn nhưng lại không gây áp lực lên lạm phát.
0 ngân hàng thêm mới/loại bỏ
Từ năm 2011-2015, hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm được 17 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, giảm 8 ngân hàng nội, kéo số lượng ngân hàng từ 43 giảm xuống còn 35 ngân hàng.
Tuy nhiên, năm 2016 lại là một năm “bình lặng” trong công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Đã không có thêm cái tên nào bổ sung hay loại bỏ ra khỏi danh sách các ngân hàng nội của Việt Nam trong năm 2016.
Thay đổi chỉ xảy ra trong khối các ngân hàng ngoại. VID Public Bank từ Ngân hàng liên doanh đã trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài sau khi BIDV bán toàn bộ phần vốn trong liên doanh cho đối tác Malaysia. Cùng đó, một tổ chức tín dụng khác đến từ Malaysia là CIMB Bank Berhad cũng đã được cấp phép thành lập Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thực chất không “bình lặng” như bề nổi. Năm 2016 được coi là năm bản lề trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với khối lượng không nhỏ công việc được NHNN giải quyết, gồm đánh giá tổng kết quá trình tái cơ cấu trong giai đoạn trước và đề xuất, xin ý kiến các Bộ ban ngành giải pháp tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020.
8,24 triệu tỷ đồng tài sản
Là giá trị tổng tài sản có của hệ thống ngân hàng tính đến ngày 30/11/2016. So với thời điểm cuối năm 2015, tài sản có của các ngân hàng tại Việt Nam tăng thêm 923 nghìn tỷ đồng, tương đương với 40,29 tỷ USD.
Tăng trưởng quy mô tài sản có của các ngân hàng trong năm 2016 (Đvi: Tỷ đồng)
77 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ
Với mức tăng trưởng 3,57%, vốn điều lệ của các ngân hàng đến cuối tháng 11/2016 tăng lên 476.692 tỷ đồng. Năm 2016 là một năm khó khăn trong việc huy động vốn mới của các ngân hàng. Nhiều kế hoạch tăng vốn được đề ra nhưng lại chưa thu được kết quả như mong muốn.
Trong khi tổng tài sản tăng thêm tới 12,6%, nguồn vốn bổ sung thêm lại không đến nhiều từ vốn tự có chủ yếu đến từ vốn bên ngoài. Đến thời điểm cuối năm 2016, huy động vốn tăng 18,38% so với cuối năm 2015, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng (18,71%). Trái phiếu cũng trở thành kênh huy động vốn đắc lực của các ngân hàng trong năm qua.
5,526 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng
Là số tiền mà hệ thống ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế tính đến cuối năm 2016. Cụ thể, dư nợ tín dụng cuối năm ước tính đạt 5.526.785 tỷ đồng, tăng 18,71% so với thời điểm cuối năm 2015.
Theo tính toán của UBGSTC, trong riêng năm 2016, toàn bộ thị trường tài chính (bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) đã cung ứng khoảng 1,23 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế, tăng 11,39% so với năm trước. Trong đó, riêng khu vực ngân hàng cung ứng 68,1%, tức khoảng 837 nghìn tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất nhìn chung ổn định trong năm 2016. Lãi suất cho vay giảm khoảng 0,5% so với đầu năm. Tính đến tháng 12, mặt bằng lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn và 9-10% ở kỳ hạn dài. Thậm chí, lãi suất cho vay đối với khách hàng tốt giảm xuống 4-5%/năm.
605 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng tiêu dùng
Đây là ước tính về dư nợ của riêng mảng tín dụng tiêu dùng tới cuối năm 2016, chiếm 11,4% tổng dư nợ tín dụng. Năm nay ghi nhận sự tăng trưởng bùng nổ của mảng kinh doanh này với mức tăng trưởng 39%. So với GDP, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/GDP của Việt Nam là khoảng 9,8% trong khi tỷ lệ này chỉ là 2,3% năm 2010. Dù vậy, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/ GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước như Mỹ (23%), Đức (10,5%), Anh (16%), Malaysia (14%).
95 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý
Đây là số nợ xấu đã xử lý được trong năm 2016. Số liệu của UBGSTC cho biết, đã có 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm, 26,6% tổng giá trị nợ xấu xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro. Còn lại, có khoảng 21% nợ xấu được bán cho VAMC.
Tuy vậy, nợ xấu chờ xử lý (nợ bán cho VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn trong tái cơ cấu vẫn còn lớn. Tổng số nợ bán cho VAMC chưa xử lý được là 224 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu giảm về còn 2,8%
Từ mức nợ xấu 4,2% năm 2012, tỷ lệ nợ xấu đã được đưa về dưới 3%. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh một phần cũng nhờ các ngân hàng chuyển nợ xấu sang cho VAMC. Biện pháp kỹ thuật này đồng thời giúp làm sạch bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đồng thời chia thời gian trích lập dự phòng.
26,8% tăng trưởng lợi nhuận
Theo số liệu từ UBGSTC, trên toàn hệ thống, thu nhập lãi thuần của hệ thống ngân hàng tăng 9% so với 2015, chiếm 79,0% trong tổng thu nhập thuần từ HĐKD. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên – NIM cả năm 2016 tăng nhẹ từ 2,7% (năm 2015) lên 2,8%. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 18,5%, hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 44,0%, hoạt động góp vốn mua cổ phần tăng 51,7%, hoạt động khác tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận trước trích lập DPRRTD năm 2016 ước tính tăng 10% so với 2015. Chi phí DPRRTD chỉ tăng nhẹ 3,2% so với năm 2015, tỷ lệ chi phí DPRRTD/lợi nhuận trước trích lập giảm từ 62,5% (năm 2015) xuống 58,5%. Lợi nhuận sau thuế ước tăng 26,8% so với năm 2015.
ROE bình quân hệ thống tăng lên 7,87%
Là tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu trung bình của các ngân hàng trong năm 2016. Tỷ suất lợi nhuận bình quân của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể trong năm nay. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng từ 6,42% năm 2015 lên 7,87% năm 2016. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) tăng từ 0,46% lên 0,54%. Tuy vậy, mức ROE này cũng chỉ nhỉnh hơn không nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một năm.