|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đảo chính có xảy ra nếu quốc vương Thái qua đời?

16:53 | 13/10/2016
Chia sẻ
Nguy cơ đảo chính là dấu hỏi lớn ở Thái Lan sau 2 cuộc binh biến trong 10 năm vừa rồi, đặc biệt khi sức khoẻ Quốc vương Bhumibol được cho là đang nguy kịch.

Giữa lúc tình hình sức khỏe của nhà vua Bhumibol chuyển biến xấu, câu chuyện được quan tâm nhất cũng là chủ đề cấm kỵ tại Thái Lan: Ai sẽ kế vị ông.

Cuối tuần và tối 12/10, Hoàng gia Thái Lan gửi đi thông cáo cho biết sức khỏe của Quốc vương Bhumibol Adulyadej đang trong tình trạng "bất ổn". Sự việc ngay lập tức trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu tại Thái Lan, trong đó câu chuyện thừa kế ngai vàng trở thành đề tài nóng bỏng.

Ai sẽ kế vị?

Các chuyên gia quốc tế cũng như các nhà quan sát chính trị ở Thái Lan cho rằng Thái tử Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, gần như chắc chắn sẽ thành người kế vị nếu Quốc vương Bhumibol qua đời.

"Quan điểm của tôi là Thái tử Vajiralongkorn sẽ kế vị. Tôi không nghĩ là có khả năng khác. Chính quyền đương nhiệm ở Thái Lan đã cho thấy rõ là họ ủng hộ thái tử", Kevin Hewinson, chuyên gia về châu Á tại Đại học North Carolina (Mỹ), nhận định.

Đồng tình với ý kiến trên, học giả người Đức Serhat Unaldi tin rằng vị trí của Thái tử Vajiralongkorn "vững như bàn thạch".

"Không có ai có thể thay thế Thái tử Vajiralongkorn. Dựa theo Luật Truyền ngôi Hoàng gia, ông ấy là người thừa kế ngai vàng phù hợp", ông Unaldi nói với South China Morning Post.

Hôm 12/10, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha bất ngờ hủy chuyến công tác đến tỉnh Chonburi. Ông cũng cho biết đang đợi yết kiến Thái tử Maha Vajiralongkorn, người đã được chỉ định thừa kế ngai vàng, từ nước ngoài trở về.

Cùng ngày, chính phủ Thái Lan đăng trên mạng một thông cáo hướng dẫn người dân cách "ký và viết những tin nhắn chúc tốt lành" nhưng không đưa thông tin gì về sức khỏe của vị vua có thời gian ở ngôi lâu nhất thế giới hiện tại (ông lên ngôi năm 1946).

Liệu có đảo chính?

Quốc vương Bhumibol là vị vua thứ 9 trong lịch sử 234 năm của vương triều Chakri. Ông được yêu mến rộng rãi nhờ việc khôi phục lại định chế hoàng gia cũng như việc tạo ra ảnh hưởng nhất quán đến các phe phái chính trị ở Thái Lan.

Sau khi chế độ quân chủ chuyên chế được xóa bỏ năm 1932, Thái Lan trở thành "sân khấu" thường xuyên của các cuộc đảo chính. Bangkok đã chứng kiến tổng cộng 19 cuộc đảo chính, trong đó 12 lần thành công kể từ đó tới nay. Chỉ từ 2006 tới nay, nước này cũng đã hai lần chứng kiến đảo chính khi quân đội lật đổ những thủ tướng đến từ gia đình cựu thủ tướng Thaksin.

Đã có nhiều lo ngại về khả năng đảo chính nữa nếu tình hình chính trị ở đây bất ổn sau khi Quốc vương Bhumibol băng hà.

dao chinh co xay ra neu quoc vuong thai qua doi

Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha có thể sẽ hoãn cuộc bầu cử dự kiến tổ chức cuối năm sau, nếu nhà vua Bhumibol băng hà. Ảnh: Reuters.

Một số chuyên gia nhận định trong trường hợp nhà vua băng hà, chính phủ Thái Lan buộc phải lùi cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào cuối năm sau. Trước đó, Thủ tướng Chan-o-cha nói sẽ thúc đẩy kế hoạch bầu cử sau khi trưng cầu dân ý cho thấy người dân ủng hộ bản hiến pháp mới.

Theo Patrick Jory, chuyên gia về lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Queensland (Australia), các tướng lĩnh quân đội có thể muốn duy trì quyền lực qua thời gian tang lễ và cho đến khi tân quốc vương đăng cơ để "giữ vững sự ổn định chính trị".

"Thách thức sẽ xuất hiện khi Thái Lan quay trở lại con đường dân chủ và các lệnh cấm hoạt động chính trị được gỡ bỏ", Jory bổ sung.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng thị trường chứng khoán và đồng baht Thái Lan sẽ tiếp tục chịu sức ép nếu sức khỏe nhà vua vẫn trong tình trạng không rõ ràng như hiện tại.

"Nhà vua được tất cả các bên, các phe phái ở Thái Lan tôn sùng. Ông có khả năng thống nhất mọi người và đóng vai trò đứng sau phân xử trong các tranh chấp ở chính trường", chuyên gia phân tích thị trường Jeffrey Halley của Singapore nói.

dao chinh co xay ra neu quoc vuong thai qua doi

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha (trái) yết kiến quốc vương Bhumibol vào tháng 11/2014. Ảnh: Hoàng gia Thái Lan.

Chủ đề cấm kỵ

Các nhà quan sát nhận định việc lựa chọn từ ngữ sử dụng trong các thông báo lần này hoàn toàn khác so với những thông báo trước đây về tình hình sức khỏe của nhà vua. Vị quốc vương 88 tuổi không xuất hiện trước công chúng trong những năm gần đây do một loạt vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh suy thận.

"Đây là một thông báo khác thường từ Văn phòng Trị sự Hoàng gia. Thường thì họ sẽ nói những điều tích cực, không như lần này", chuyên gia Hewinson phân tích.

Theo ông Unaldi, tác giả một cuốn sách về hoàng gia Thái Lan, việc sử dụng từ "bất thường" để nói về tình trạng sức khỏe nhà vua "quả thực là lựa chọn không bình thường trong cách sử dụng từ ngữ".

"Nhà vua dường như đang trong tình trạng nguy kịch", ông nói.

Trong khi đó, chuyên gia Jory cho rằng sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Thái Lan hôm 10/10, tức một ngày sau thông báo, có lẽ là "biểu hiện rõ nhất cho sự nhạy cảm của công chúng về vấn đề này".

dao chinh co xay ra neu quoc vuong thai qua doi

Người dân tụ tập trước bệnh viện nơi nhà vua Bhumibol đang điều trị để cầu nguyện cho ông. Ảnh: Kyodo.

"Mọi người đều biết về tình trạng sức khỏe của nhà vua dù họ không thể công khai nói về điều đó do những yếu tố nhạy cảm", Jory chia sẻ.

Việc bình luận về sức khỏe của vua cũng như vấn đề truyền ngôi rất hạn chế tại Thái Lan bởi luật nước này quy định hình phạt nghiêm khắc với các hành vi xúc phạm hoàng tộc. Dưới chính quyền quân sự hiện tại, việc áp dụng luật càng được tăng cường.

Jory cũng cho rằng nhiều người dân Thái Lan sẽ cảm thấy khó chấp nhận nếu nhà vua qua đời và thái tử lên ngôi, điều lần đầu tiên xảy ra sau rất nhiều năm. Nguyên dân là do "vị trí trung tâm của hoàng gia cũng như thời gian trị vì lâu của quốc vương Bhumibol".

"Có lẽ thời gian để tang sẽ kéo dài, lên đến một năm hoặc hơn", Jory nói.

Đông Phong