|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Danh sách dài các tổng thống, ứng cử viên tổng thống Mỹ từng bị ám sát

14:13 | 14/07/2024
Chia sẻ
Trước vụ ám sát bất thành cựu Tổng thống Donald Trump, đã có nhiều vụ ám sát và bạo lực chính trị nhắm vào các tổng thống Mỹ, cựu tổng thống và các ứng cử viên tổng thống của các đảng lớn.

Tổng thống Kennedy trúng đạn nằm nghiêng về bên trái, trong khi phu nhân Jacqueline bật người lao ra phía cốp xe trong vụ ám sát ngày 22/11/1963, tại Dallas. (Ảnh: AP).

Hãng tin AP đã điểm lại một số vụ ám sát và âm mưu ám sát xảy ra kể từ khi nước Mỹ được thành lập vào năm 1776.

Abraham Lincoln - tổng thống thứ 16

Lincoln là tổng thống đầu tiên bị ám sát bởi John Wilkes Booth vào ngày 14/4/1865, khi ông và vợ, Mary Todd Lincoln, tham dự buổi biểu diễn đặc biệt vở hài kịch “Our American Cousin” tại Nhà hát Ford ở Washington DC.

Lincoln được đưa đến một ngôi nhà đối diện nhà hát để điều trị y tế sau khi ông bị bắn vào sau đầu. Ông qua đời vào sáng hôm sau. Sự ủng hộ của Lincoln đối với quyền của người da đen được coi là lý do chính dẫn đến việc ông bị giết hại.

Tranh minh họa cảnh Tổng thống Lincoln bị bắn vào sau đầu. (Ảnh: History.com).

Hai năm trước vụ ám sát này, trong cuộc Nội chiến liên quan đến việc bãi bỏ chế độ nô lệ, Lincoln đã ban hành Tuyên bố Giải phóng Nô lệ, trao quyền tự do cho các nô lệ trong Liên minh miền Nam.

Sau vụ việc kinh hoàng, cương vị tổng thống của Lincoln được trao cho Phó Tổng thống Andrew Johnson.

Tên sát nhân Wilkes Booth bị bắn chết vào ngày 26/4/1865, sau khi người ta tìm thấy hắn đang trốn trong một nhà kho gần Bowling Green, Virginia.

James Garfield, tổng thống thứ 20

Garfield là tổng thống Mỹ thứ hai bị ám sát, chỉ 6 tháng sau khi nhậm chức. Ông đang đi bộ qua một ga xe lửa ở Washington vào ngày 2/7/1881 để bắt chuyến tàu đến New England thì bị Charles Guiteau bắn.

Alexander Graham Bell, nhà phát minh ra điện thoại, đã cố gắng tìm ra viên đạn găm vào ngực Garfield bằng một thiết bị mà ông thiết kế riêng cho tổng thống nhưng không thành công. Tổng thống bị trọng thương nằm ở Nhà Trắng trong vài tuần, và cuối cùng ông qua đời vào tháng 9 sau khi được đưa đến bờ biển New Jersey. Ông giữ chức vụ tổng thống Mỹ được 6 tháng. Kế nhiệm Garfield là Phó Tổng thống Chester Arthur.

Hung thủ Guiteau bị kết tội và bị xử tử vào tháng 6/1882.

William McKinley tổng thống thứ 25

Tổng thống William McKinley bị bắn sau khi có bài phát biểu ở Buffalo, New York, vào ngày 6/9/1901. Ông đang bắt tay những người ủng hộ thì bị một người đàn ông bắn hai phát vào ngực ở cự ly gần. Các bác sĩ đã mong đợi McKinley sẽ bình phục nhưng sau đó vùng tổn thương xung quanh vết đạn của ông bị hoại tử.

Tranh mô tả vụ ám sát Tổng thống McKinley vào năm 1901. (Ảnh: Britanica).

McKinley qua đời vào ngày 14/9/1901, sáu tháng sau khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Người kế nhiệm ông là Phó Tổng thống Theodore Roosevelt.

Leon F. Czolgosz, một cư dân Detroit 28 tuổi thất nghiệp, đã thừa nhận là thủ phạm vụ ám sát. Czolgosz bị kết tội tại phiên tòa và bị xử tử trên ghế điện vào ngày 29/10/1901.

Franklin D. Roosevelt, tổng thống thứ 32

Roosevelt, lúc đó là tổng thống Mỹ đắc cử, vừa có bài phát biểu ở Miami từ phía sau một chiếc ô tô mui trần thì tiếng súng vang lên.

Roosevelt không bị thương trong vụ nổ súng vào tháng 2/1933 này, nhưng vụ việc đã khiến Thị trưởng Chicago Anton Cermak đã thiệt mạng.

Thủ phạm Guiseppe Zangara bị kết tội và lĩnh án tử hình.

Harry S. Truman, tổng thống thứ 33

Tổng thống Truman đang ở tại Blair House, tòa nhà đối diện Nhà Trắng vào tháng 11/1950 thì có hai tay súng đột nhập.

Ông Truman không bị thương, nhưng một cảnh sát Nhà Trắng và một trong những kẻ tấn công đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng. Hai cảnh sát khác của Nhà Trắng bị thương.

Tay súng còn lại là Oscar Callazo bị bắt và bị kết án tử hình. Năm 1952, chính Tổng thống Truman giảm án cho hắn xuống tù chung thân. Tên này được Tổng thống Jimmy Carter ân xá và ra tù vào năm 1979.

John F. Kennedy, tổng thống thứ 35

Tổng thống Kennedy bị một sát thủ giấu mặt trang bị súng trường cỡ lớn bắn chết khi ông đến thăm thành phố Dallas vào tháng 11/1963 cùng với đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy. Tiếng súng vang lên khi đoàn xe của tổng thống lăn bánh qua Dealey Plaza ở trung tâm thành phố.

Đặc vụ Clint Hill vọt lên chiếc limousine chở tổng thống sau khi Tổng thống Kennedy bị bắn ngày 22/11/1963. (Ảnh: AP).

Kennedy được đưa đến Bệnh viện Parkland Memorial, nơi ông qua đời ngay sau đó. Kế nhiệm ông là Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson, người đã tuyên thệ nhậm chức trên chuyên cơ Không lực Một. Ông là tổng thống duy nhất tuyên thệ nhậm chức trên máy bay.

Vài giờ sau vụ ám sát, cảnh sát đã bắt giữ Lee Harvey Oswald sau khi tìm ra vị trí của tay súng bắn tỉa này ở tòa nhà gần đó, Kho lưu trữ sách trường học Texas.

Hai ngày sau, Oswald đang được đưa từ trụ sở cảnh sát đến nhà tù quận thì một chủ hộp đêm ở Dallas là Jack Ruby lao tới bắn chết hắn.

Gerald Ford, tổng thống thứ 38

Tổng thống Ford đã phải đối mặt với hai vụ ám sát chỉ trong vòng vài tuần vào năm 1975, nhưng may mắn không bị thương trong cả hai vụ việc.

Trong vụ đầu tiên, ông Ford đang trên đường đến cuộc gặp với thống đốc California ở Sacramento thì một người tên là Lynette “Squeaky” Fromme lao qua đám đông trên phố, rút ​​một khẩu súng lục bán tự động và chĩa vào Ford. Súng dường như bị hóc, không bắn được. Fromme bị kết án tù và được thả vào năm 2009.

Tổng thống Gerald Ford được các mật vụ che chắn sau vụ ám sát bất thành bởi Lynette Fromme. (Ảnh: The Sacramento Bee/AP).

17 ngày sau, một phụ nữ là Sara Jane Moore lại đối đầu với Tổng thống Ford bên ngoài một khách sạn ở San Francisco. Moore bắn một phát và trượt. Một người đi đường đã nắm lấy cánh tay cô ta khi Moore định bắn phát thứ hai.

Moore bị giam giữ trong tù và được trả tự do vào năm 2007.

Ronald Reagan, tổng thống thứ 40

Tổng thống Reagan vừa rời sân khấu nơi ông có bài phát biểu ở Washington, D.C., và đang đi về phía đoàn xe của mình thì bị bắn. Hung thủ là John Hinckley Jr., người có mặt trong đám đông.

Ông Reagan đã hồi phục được sau vụ nổ súng vào tháng 3/1981. Tuy nhiên, còn có ba người khác bị bắn trong cùng vụ việc, trong đó thư ký báo chí của tổng thống, James Brady, thì bị liệt một phần do vết thương.

Hinckley bị bắt và đưa vào bệnh viện tâm thần sau khi bồi thẩm đoàn tuyên bố anh ta vô tội vì bắn Reagan trong tình trạng mất trí.

Vào năm 2022, Hinckley được tự do, không còn phải giám sát, sau khi thẩm phán xác định rằng ông ta “không còn là mối nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác nữa”.

George W. Bush, tổng thống thứ 43

Tổng thống Bush đang tham dự một cuộc mít tinh ở Tbilisi vào năm 2005 với Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili thì một quả lựu đạn ném về phía ông.

Cả hai nhà lãnh đạo đều đứng sau hàng rào chống đạn khi quả lựu đạn bọc trong vải rơi xuống cách đó khoảng 30 mét. Lựu đạn không nổ và không ai bị thương.

Kẻ quăng lựu đạn là Vladimir Arutyunian bị kết án chung thân.

Theodore Roosevelt, ứng cử viên tổng thống

Cựu tổng thống Mỹ bị bắn ở Milwaukee năm 1912 khi đang vận động để trở lại Nhà Trắng.

Ông Theodore Roosevelt trước đây đã phục vụ hai nhiệm kỳ tổng thống và đang tái tranh cử với tư cách ứng cử viên của bên thứ ba.

Sau này ông tiết lộ, bản photo bài phát biểu dày 50 trang được gấp lại và hộp đựng kính kim loại trong túi của Roosevelt dường như đã làm giảm tác động của viên đạn, giúp ông không bị thương nặng.

Hung thủ John Schrank bị bắt và sống nốt phần đời còn lại trong bệnh viện tâm thần.

Robert F. Kennedy, ứng cử viên tổng thống

Robert Kennedy đang chạy đua vào suất đề cử tổng thống của đảng Dân chủ thì bị giết tại một khách sạn ở Los Angeles - ngay sau khi đọc bài phát biểu chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở California năm 1968.

Robert Kennedy là thượng nghị sĩ đại diện bang New York và là anh trai của Tổng thống John F. Kennedy, người bị ám sát 5 năm trước đó.

Năm người khác bị thương trong vụ nổ súng.

Thủ phạm Sirhan Sirhan bị kết tội giết người cấp độ một và bị kết án tử hình. Nhưng hình phạt đó đã được chuyển thành tù chung thân, và Sirhan vẫn ở trong tù sau khi đơn xin trả tự do mới nhất của ông bị từ chối vào năm 2023.

George C. Wallace, ứng cử viên tổng thống

Ứng viên Wallace đang nỗ lực vận động để có được suất đề cử tổng thống của đảng Dân chủ thì bị bắn tại điểm dừng chân ở Maryland vào năm 1972. Vụ việc khiến ông bị liệt từ thắt lưng trở xuống.

Trong ảnh chụp ngày 5/6/1968, người phục vụ khách sạn Juan Romero, phải, đến giúp Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, khi ông nằm trên sàn khách sạn Ambassador ở Los Angeles sau khi bị bắn. (Ảnh: Pasadena Star News).

Là Thống đốc bang Alabama, ông Wallace nổi tiếng với quan điểm phân biệt chủng tộc, mà sau này ông đã từ bỏ.

Kẻ nổ súng Arthur Bremer bị kết án tù và cuối cùng được trả tự do vào năm 2007.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Hằng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.