|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đánh đổi khi mua hàng online chỉ vì rẻ và tiện

14:08 | 06/01/2024
Chia sẻ
Khi mua hàng online, người mua vẫn chủ yếu dựa vào lòng tin với người bán, bởi rất khó kiểm chứng nguồn gốc và chất lượng hàng hoá.

Phạm Trang, một bà mẹ bỉm sữa GenZ tại Hà Nội, thường xuyên săn hàng giảm giá trên các nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop hay Shopee. Lý do cũng rất đơn giản, vì rẻ.

“Đồ trẻ em được bán trên này rất rẻ, đôi khi chỉ bằng nửa giá so với sản phẩm tương đương bán ngoài cửa hàng”, Trang nói. 

Sẵn sàng chi tiền mua hàng online nhưng Trang cũng phải thừa nhận bản thân khá mù mờ về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. 

“Đồ dành cho trẻ em thường phải được kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn. Nhưng tôi gần như không thấy những tem này trên các sản phẩm đã mua, từ tã bỉm tới đồ chơi”, Trang cho hay.

Hay Ngọc Như - một nhân viên truyền thông tại TP HCM, cho biết cô là tín đồ mua thực phẩm chức năng online. "Rất nhiều loại thực phẩm chức năng từ giảm cân, đẹp da,... chỉ có thể tìm mua được trên mạng mà không có bán ở bất cứ cửa hàng nào", Như nói. 

Theo Như, cô sẽ chỉ mua ở những gian hàng có lượt mua nhiều, đánh giá tốt và bình luận tích cực. Ngoài ra, phần lớn cũng dựa vào giới thiệu trên các hội, nhóm mạng xã hội. Nhưng đôi lúc cô cũng cảm thấy bất an về những thứ sử dụng được coi là tốt cho sức khoẻ mua từ thương mại điện tử.

Trang hay Như không phải là những người thiểu số tỏ ra băn khoăn trước chất lượng hàng hoá được bán trên các sàn thương mại điện tử, khi quy mô của hình thức bán lẻ này ngày càng phình to.

 Mua sắm online. (Ảnh minh hoạ: Đức Huy).

Trần Quang, một nhân viên nhà hàng tại TP HCM, rất bối rối khi tìm mua điện thoại trên Shopee, khi có quá nhiều lựa chọn với khoảng chênh giá rộng giữa các nhà bán cho cùng một sản phẩm.

“Chẳng hạn chiếc Xiaomi Mix Fold 3 tại các cửa hàng lớn có giá lên tới vài chục triệu đồng nhưng trên Shopee rất nhiều shop chỉ bán từ 1,5 triệu đồng. Vậy chất lượng thực hư của những chiếc điện thoại này như thế nào?”, Quang đặt câu hỏi.

Ngày càng có nhiều người như Quang hay Trang tìm đến mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, khi theo Bộ Công Thương, doanh thu từ loại hình kinh doanh này đã tăng từ 8 tỷ USD năm 2018 lên 16,4 tỷ USD năm 2022 và ước đạt trên 20,5 tỷ USD vào năm 2023.

Thống kê năm 2022, có 54,6 triệu người Việt tham gia mua hàng trực tuyến, giá trị mua sắm trực tuyến của một người xấp xỉ 270 USD/năm (tức hơn 6,5 triệu đồng một năm).

Ngày nay, trên các sàn thương mại điện tử, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm xách tay, không hoá đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc chất lượng. Thậm chí, nhiều gian hàng còn công khai đăng bán các sản phẩm làm giả, nhái các thương hiệu nước ngoài như Nike, Adidas,…

Mới đây, cơ quan chức năng đã bất ngờ kiểm tra kho hàng tại quận Hà Đông, Hà Nội và phát hiện nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng ghi xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada… nhưng không rõ hoá đơn chứng từ, không có tem mác.

Đây là kho hàng thuộc sở hữu của hotgirl nổi tiếng trong kinh doanh hàng hóa online trên nhiều nền tảng từ Tiktok, Instagram, Facebook. Chủ kho đã chốt hàng nghìn đơn trong mỗi phiên livestream bán hàng. Có phiên kéo dài 12 tiếng đồng hồ.

Hay gần nhất, kho 50 tấn hàng giả Blackmores, Yujin, Femfresh... tại Hà Nội bị phát hiện mà đầu ra sản phẩm vẫn là các hình thức buôn bán online.

Theo anh Vũ Minh Trà - một người buôn hàng hoá lâu năm trên thương mại điện tử, hàng hoá kinh doanh online tại Việt Nam thường đến từ một số nguồn chính:

Thứ nhất là hàng hoá tự sản xuất, như quần áo tự may, đồ handmade. Với những sản phẩm này, buộc người bán phải cung cấp được hoá đơn đầu vào nguyên liệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, đăng ký lưu hành sản phẩm.

Thứ hai là hàng hoá đến từ nhập khẩu. Người bán phải có tờ khai thông quan, khi bày bán hoặc lưu kho thì phải có phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.

Thứ ba là hàng hóa nhập từ đơn vị khác. Với nguồn hàng này, chủ shop cần hóa đơn đầu vào bên đơn vị khác xuất cho mình (chấp nhận hóa đơn điện tử).

Theo anh Trà, cũng có những trường hợp người bán mua thẳng hàng hoá từ Trung Quốc qua các sàn online như 1688 hay các đường tiểu ngạch rồi tái phân phối tại Việt Nam. Với những hàng hoá này sẽ chịu rủi ro cao vì không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay hoá đơn không hợp lệ.

Thực trạng hàng hoá không rõ nguồn gốc, kém chất lượng bày bán công khai qua thương mại điện tử không phải mới diễn ra nhưng mức độ vi phạm và quy mô ngày càng tăng, đặc biệt là nguồn lợi nhuận bất chính từ hoạt động này là không hề nhỏ.

Đầu năm nay, trong một phản hồi với tờ Đại biểu Nhân dân, Shopee - nền tảng thương mại điện tử có thị phần lớn nhất Việt Nam, khẳng định “không cho phép bán hàng xách tay”. 

“Shopee sẽ có các biện pháp xử lý cứng rắn khi phát hiện hoặc nhận được bất kỳ phản ánh có căn cứ xác thực đối với các sản phẩm kém chất lượng hay không có nguồn gốc xuất xứ”, phía doanh nghiệp nhấn mạnh.

Với các sản phẩm không có tem nhãn rõ ràng, Shopee cho biết đã áp dụng kiểm soát bằng hệ thống và nhân sự kiểm duyệt. Công ty cho hay có đội ngũ nhân sự thường xuyên sàng lọc danh sách sản phẩm để đảm bảo người bán không vi phạm chính sách.

Còn về phía TikTok Shop, đơn vị chiếm thị phần thứ hai trên thị trường thương mại điện tử sau một năm xuất hiện tại Việt Nam, khẳng định “không khoan nhượng” cho các sản phẩm giả mạo hoặc hàng nhái. 

Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ của các nền tảng, đến thời điểm hiện tại vẫn không khó để tìm kiếm hàng hoá xách tay, không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định tem mác,… được rao bán công khai. Và các nền tảng vẫn chưa thể có chế tài để xử lý triệt để thực trạng này.

Việc bảo vệ người tiêu dùng lại trở về với nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Và mỗi ngày, những người tiêu dùng như Trang, Như kể trên vẫn tiếp tục mua hàng online, chấp nhận lờ đi những băn khoăn về chất lượng, đơn giản vì rẻ và tiện.

Đức Huy

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.