|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đằng sau cuộc rượt đuổi mua cổ phiếu PNC

08:00 | 06/09/2016
Chia sẻ
Hai công ty liên quan tới hai thành viên HĐQT PNC đang từng bước nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 48% và có thể con số này chưa dừng lại. Trong khi, hai thành viên này được cho là có mâu thuẫn với các thành viên khác trong HĐQT.

Liên tục các giao dịch lượng cổ phiếu lớn

Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (Mã: PNC) vừa được chuyển từ diện tạm ngừng giao dịch sang diện kiểm soát đặc biệt, tức là được giao dịch vào phiên chiều.

Lệnh "giới nghiêm" vừa được nới lỏng thì chưa đầy 1 tháng sau, 2 thành viên HĐQT của Công ty liên tục có các giao dịch lớn cổ phiếu PNC. Cụ thể, ông Phạm Uyên Nguyên, thành viên HĐQT bán hết 10,52% cổ phần PNC, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch HĐQT, bán hết 1,3% vốn.

Thực hiện thoái vốn hoàn toàn nhưng các công ty liên quan tới 2 thành viên HĐQT trên đều mua vào lượng lớn cổ phiếu PNC.

Công ty Thành Vinh, nơi ông Nguyên làm Chủ tịch, mua vào 1,3 triệu cổ phần, tương đương 12,04% vào ngày 29/8. Sau đó, Thành Vinh lại đăng ký mua tiếp 1,19 triệu cổ phần từ ngày 7/9 đến 30/9 để nâng tỷ lệ sở hữu lên 23,09%.

Trong khi Thành Vinh tiếp tục đăng ký mua thì ông Nguyên lại bán thỏa thuận 10,52% vốn PNC cho một nhà đầu tư cá nhân khác tên Nguyễn Hữu Đức. Vì vậy, không ngoại trừ ông Đức cũng là nhà đầu tư có liên quan tới ông Nguyên.

Công ty Trường Phát, nơi ông Quỳnh làm Chủ tịch, lại mua vào 2,2 triệu cổ phần PNC, tỷ lệ 20,37% ngày 26/8. Sau đó, Trường Phát lại vừa mua thêm 482.280 cổ phần PNC và nâng sở hữu lên 24,84%.

Nếu giao dịch của Thành Vinh thành công, các công ty liên quan tới ông Nguyên và ông Quỳnh nắm tổng cộng 47,93% vốn điều lệ PNC. Nếu tính sở hữu của cả ông Đức, tỷ lệ này là 58,45%.

thay doi co cau co dong tuong lai pnc ve dau

Cổ đông mâu thuân, công ty đi xuống

Điều đáng nói, ông Phạm Uyên Nguyên và ông Nguyễn Tuấn Quỳnh là những cái tên không còn xa lạ gì trong vụ việc rạn nứt giữa các thành viên HĐQT PNC cũng như mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông lớn với ban lãnh đạo công ty thời gian qua. Ông Quỳnh còn là Tổng Giám đốc AlphaBooks - một nhà phân phối sách khá lớn tại thị trường Việt Nam.

Còn nhớ, ĐHCĐ thường niên PNC năm 2015 tổ chức lần 1 bất thành do nhóm cổ đông lớn nắm khoảng 65% vốn vắng mặt, trong đó có ông Nguyên. Bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT cũng công khai trước các cổ đông về mâu thuẫn đỉnh điểm giữa các thành viên trong HĐQT thời gian gần tổ chức Đại hội.

Theo bà Lệ, ông Quỳnh và ông Nguyên trong nhiều cuộc họp HĐQT đã có những ý kiến không được ủng hộ, gây ra mâu thuẫn và khó khăn cho các quyết định của Công ty. Đỉnh điểm mâu thuẫn này, ngày 12/6, trước thời điểm tổ chức Đại hội khoảng 1 tháng, 2 ông này còn gửi văn bản kiến nghị lên ĐHCĐ về việc đề nghị bãi nhiệm HĐQT hiện tại và bầu mới trong đại hội 2015 và Tổng Giám đốc (TGĐ) điều hành phải do HĐQT và ĐHCĐ gần nhất bổ nhiệm, phê chuẩn.

Trước đó, vào năm 2013, ông Quỳnh đề cử ông Nguyên làm TGĐ nhưng HĐQT thấy ông Nguyên không có kinh nghiệm trong việc điều hành kinh doanh, đặc biệt là ngành kinh doanh sách vở, văn hóa tri thức nên không thông qua. Bà Lệ cho hay, HĐQT hết sức ủng hộ cho ông Quỳnh đề xuất người phù hợp nhưng không tìm được người. Đến tháng 2/2015, HĐQT đã bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Hoạt làm TGĐ, vừa là cổ đông sáng lập vừa là đại diện cho cổ đông nhà nước tại PNC (khoảng 5,5% vốn).

Mâu thuẫn còn có dịp nổi lên xung quanh con số 10% hay 20% vốn góp trong liên doanh CGV. Dù Ban lãnh đạo công bố con số 10% nhưng nhóm cổ đông lớn vẫn khăng khăng cho rằng 20% và không chịu thừa nhận con số mà ban lãnh đạo nêu. Đó cũng là nguồn cơn của các cuộc cãi vã trong suốt các cuộc họp ĐHCĐ, thậm chí từ năm 2015, chưa năm nào PNC tiến hành được Đại hội lần 1 mà luôn phải mà phải tổ chức lần 2, lần 3.

Gần đây nhất, tại ĐHCĐ thường niên 2016 tổ chức lần 2 (lần 1, nhóm cổ đông lớn vắng mặt) thì cuộc tranh cãi vẫn tiếp diễn và cổ đông không thông qua tất cả các tờ trình. Những điều hết sức phi lý như năm 2015, nhóm cổ đông chỉ thông qua một nội dung tờ trình là chọn kiểm toán A&C nhưng tại Đại hội 2016 cũng phủ quyết luôn chính báo cáo do mình lựa chọn. Nhóm cổ đông lớn này, theo bà Lệ, có sự tham gia của ông Quỳnh, ông Nguyên và cố tình gây cản trở hoạt động của Công ty.

Từ khi HĐQT có bất hòa và mâu thuẫn, PNC luôn trong tình trạng vi phạm về công bố thông tin. Nhóm cổ đông qua 2 kỳ đại hội năm 2015, 2016 đều phủ quyết các nội dung tờ trình, nên Công ty luôn rơi vào tình trạng chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2015, bị HoSE nhắc nhở tới lần thứ 10, rồi chậm nộp báo cáo thường niên 2015, chậm nộp các giải trình liên quan nên cổ phiếu bị ngừng giao dịch.

Trong 2 năm qua, cổ phiếu PNC từ mức giá 8.800 đồng lên được đỉnh 20.600 đồng rồi lại đi về đáy 9.400 đồng/cp. Nhiều phiên cổ phiếu không có giao dịch.

Về kết quả kinh doanh, 2 năm 2012 và 2013, PNC thua lỗ, phải đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết. Tới năm 2014, kết quả kinh doanh có phần được cải thiện thì năm 2015 lại là năm của mâu thuẫn nội bộ, dẫn tới nhiều hệ lụy.

thay doi co cau co dong tuong lai pnc ve dau
Đơn vị: tỷ đồng

PNC suy sụp trong câu chuyện mâu thuẫn nội bộ, nhất là khi 2 thành viên HĐQT có mâu thuẫn liên tục nâng sở hữu gián tiếp làm dấy lên nghi vấn tiếp tục có một cuộc tranh giành quyền lực tại PNC.

Khổng Chiêm