|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đạm Phú Mỹ sắp chia cổ tức tiền mặt 7% còn lại của năm 2020

18:55 | 23/06/2021
Chia sẻ
Cùng với các doanh nghiệp phân bón, Đạm Phú Mỹ sẽ chi trả cổ tức tiền mặt còn lại cho cổ đông, tỷ lệ 7%. Dự kiến thời gian thanh toán là 30/7.
Đạm Phú Mỹ chốt thời gian chia cổ tức tiền mặt còn lại của năm 2020 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Minh Hằng.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) vừa chốt ngày 6/7 tới đây là thời gian chốt danh sách cổ đông để nhận cổ tức 7% còn lại của năm 2020 (700 đồng/cp). Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 5/7.

Với 391,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Đạm Phú Mỹ sẽ chi 274 tỷ đồng để trả cổ tức lần này cho cổ đông. Dự kiến thời gian thanh toán là 30/7.

Đây là đợt trả cổ tức thứ hai của năm 2020 của Đạm Phú Mỹ. Trước đó, doanh nghiệp đã trả 700 đồng/cp vào quý I/2021 cho cổ đông.

Vào cuối tháng 4/2021, CTCP Lương thực Vật tư Nông nghiệp Nghệ An đã mua vào hơn 4 triệu DPM và chính thức làm cổ đông lớn của Đạm Phú Mỹ với tỷ lệ sở hữu 6,95%. Như vậy, cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 59,58%, ước tính cả hai tổ chức này sẽ lần lượt thu về 19 tỷ đồng và 163 tỷ đồng cổ tức đợt này.

Cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất, 5 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất các sản phẩm đều hoàn thành hoặc vượt mức kế hoạch 5 tháng, trong đó sản lượng NPK Phú Mỹ sản xuất vượt 17% kế hoạch và tăng 69% so với cùng kỳ năm 2020.

Về sản lượng tiêu thụ, hầu hết đều vượt kế hoạch 5 tháng, trong đó, mức tiêu thụ sản phẩm NPK Phú Mỹ vượt 5% kế hoạch tháng.

Nhìn chung, so với năm 2020, tình hình tiêu thụ của tất cả các sản phẩm phân bón đều tăng, trong đó NPK Phú Mỹ đạt mức tiêu thụ tăng gần gấp đôi, hơn 99% so với cùng kỳ.

Ngoài Đạm Phú Mỹ, sắp tới đây, hàng loạt các công ty ngành phân bón cũng chia cổ tức tiền mặt cho năm 2020.

Đạm Phú Mỹ chốt thời gian chia cổ tức tiền mặt còn lại của năm 2020 - Ảnh 2.

Nguồn: MH tổng hợp từ công bố thông tin của các doanh nghiệp ngành phân bón.

Còn trên thị trường chứng khoán, trong khoảng hơn hai tuần trở lại đây, nhóm cổ phiếu ngành phân bón thu hút mạnh dòng tiền, trong đó DPM đang tiến sát với vùng đỉnh trong hơn ba năm, còn DCM liên tục leo đỉnh mới.

Nguyên nhân khiến giá cổ phiếu tăng mạnh do thời gian gần đây, giá phân bón trên thế giới và trong nước leo thang. 

Giải thích vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, cho biết giá phân bón tăng chủ yếu do tác động bên ngoài như nguyên liệu, chi phí vận tải chứ không chỉ do áp dụng biện pháp tự vệ. 

Còn ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục Trưởng Cục Hóa chất cho rằng giá phân bón sẽ còn neo ở mức cao từ nay đến cuối năm.

Minh Hằng